Chạy đoàn tàu container Việt Nam - Kazakhstan
Việc sử dụng tuyến đường vận chuyển mới bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc sau đó tiếp chuyển đi Kazakhstan sẽ giảm ít nhất được một nửa thời gian so với đường biển; đồng thời cũng giải quyết các vấn đề giao thông vận tải giữa các nước thuộc khối ASEAN và các quốc gia thuộc khu vực Trung Á.
Từ tháng 12/2022, Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) phối hợp với các đại lý thuộc đường sắt các nước Trung Quốc, Kazakhstan khởi động chạy đoàn tàu chuyên container giữa Việt Nam - Kazakhstan.
Đoàn tàu container liên vận quốc tế Việt Nam - Kazakhstan xuất phát ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) để đi Tây An, từ đó tiếp chuyển bằng đường sắt đi Almaty (Kazakhstan). Toàn bộ hàng hóa là hàng điện tử được xuất phát từ TP.HCM vận chuyển ra Hà Nội, sau đó tiếp tục vận chuyển tới Tây An (Trung Quốc) và tiếp chuyển đến Almaty - Kazakhstan. Đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế xuất phát tại ga Yên Viên với khoảng 24 container đi sang đường sắt Trung Quốc. Chỉ tính riêng tháng 12/2022, đường sắt đã tổ chức vận chuyển được khoảng 70 container.
Được biết, chuyến tàu Trung Quốc-Việt Nam và Trung Quốc - Châu Âu đầu tiên được khai thác lần đầu vào ngày 27/7/2021. Tổng cộng 47 chuyến tàu đã được vận hành kể từ đó, với tổng số 2.162 container tiêu chuẩn và 9.442 tấn hàng hóa.
Đầu tháng 3/2022, tuyến tàu thẳng Đà Nẵng đi châu Âu dự kiến được đưa vào khai thác. Cụ thể, chuyến tàu khởi hành từ Đà Nẵng đến Trịnh Châu bằng China-Europe Express. Từ đó, các đoàn xe sẽ được gửi đến châu Âu, dỡ hàng tại các thành phố như Liege ở Bỉ, Hamburg ở Đức và Melzo ở Ý. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, việc khánh thành tuyến đường mới này đã bị trì hoãn.
Đại diện Ratraco cho hay đây không phải là lần đầu tiên Đường sắt Việt Nam sử dụng hệ thống China - Europe Express để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua lục địa Á - Âu. Trước đây hầu hết các mặt hàng điện tử xuất khẩu từ Việt Nam được vận chuyển sang các nước Trung Á bằng đường biển với thời gian thông thường mất khoảng 50 ngày.
Việc sử dụng tuyến đường vận chuyển mới bằng đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc sau đó tiếp chuyển đi Kazakhstan sẽ giảm ít nhất được một nửa thời gian so với đường biển, đồng thời cũng giải quyết các vấn đề giao thông vận tải giữa các nước thuộc khối ASEAN và các quốc gia thuộc khu vực Trung Á. Hiện tại, các đoàn tàu được tổ chức theo nhu cầu của khách hàng, về lâu dài sẽ chạy thường xuyên hơn.
Cũng theo vị này, do ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraine, tàu liên vận quốc tế từ Yên Viên - Việt Nam đi Liege - Bỉ qua Nga đã phải tạm dừng từ giữa tháng 3/2022 do các chủ hàng e ngại, không lựa chọn vận chuyển đường sắt.
Đối với các đoàn tàu quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba như Kazakhstan, Mông Cổ, Nga thì đường sắt Việt Nam vẫn tổ chức chạy thường xuyên thông qua kế hoạch vận chuyển liên vận hàng tháng với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước.
Tuy nhiên, trong năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi nước thứ ba gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc về chính sách “zero covid” cũng như các hạn chế về kế hoạch tiếp nhận hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam qua Trung Quốc đến các nước thứ ba.
Theo đó, mỗi tháng đường sắt Trung Quốc chỉ đồng ý tiếp nhận 100 toa xe cho 3 tuyến đi Nga, Mông Cổ và Kazakhstan. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận tải hàng hóa đường sắt liên vận quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bắt đầu từ tháng 1/2023, Trung Quốc đã khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua tất cả các cặp cửa khẩu Trung - Việt, đồng thời đường sắt Trung Quốc đã đồng ý tiếp nhận hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam qua Trung Quốc đến các nước thứ ba theo kế hoạch đề xuất của đường sắt Việt Nam. Chính sách “mở cửa” này sẽ tạo thuận lợi lớn cho hàng Việt Nam xuất khẩu bằng đường sắt cũng như hàng các nước ASEAN quá cảnh Việt Nam, đi Trung Quốc cũng như các nước thứ ba.
Trong bối cảnh nhiều nhà máy Trung Quốc di dời sang Việt Nam, vận tải hàng hóa đường sắt Việt Nam dần trở thành thị trường bắt đầu được quan tâm. Tuy nhiên, đơn vị đo lại trở thành một trở ngại lớn. Vì Việt Nam sử dụng đơn vị là mét nên việc thay thế bằng đơn vị tiêu chuẩn của Trung Quốc là một quá trình tốn nhiều thời gian.
Theo dữ liệu do Hải quan Nam Ninh thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây công bố vào tháng 10/2022, có tổng cộng 607.000 tấn hàng hóa đã qua biên giới Trung-Việt. Theo Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa đường sắt của Việt Nam có thể đạt 5 triệu tấn.