Bên lề Quốc hội: Luật Đường bộ hướng đến giải quyết vấn đề thực tiễn
Sáng 24/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đường bộ thay thế cho Luật Giao thông đường bộ. Bên lề Quốc hội, một số đại biểu cho rằng Luật nên bàn thảo các vấn đề tập trung hơn sẽ giải quyết được vấn đề thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Dự thảo Luật Đường bộ đưa nhiều vấn đề sát với thực tiễn hơn
Dự thảo Luật Đường bộ lần này có sự phát triển hơn so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Về cơ bản, dự thảo Luật Đường bộ đang tương thích với quy định vận tải hành khách khi chỉ có hai hình thức vận tải: Vận tải nội bộ và Vận tải kinh doanh hành khách.
Đối với vấn đề bảo an toàn khi đưa đón học sinh cần hết sức cân nhắc quy định hai tình huống đưa đón. Rõ ràng, học sinh là đối tượng yếu thế cần được chăm sóc, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối. Chúng ta cũng thấy sự đáng tiếc trong thời gian qua về việc xe vận tải để quên học sinh khiến các cháu tử vong. Hoặc xe đang chạy lại mở cửa khiến học sinh bị thương tích, tử vong.
Luật cũng cần lên phương án như thế nào để áp ứng được thực tế một cách hợp lý, đảm bảo an toàn, an ninh; vừa tạo cơ sở kinh doanh vận tải đưa đón học sinh, có lãi, có thu nhập để phát triển. Đây là bài toán rất khó.
Với các trường công lập, Nhà nước chưa đủ điều kiện để thực hiện việc đưa đón học sinh. Còn với nhiều cơ sở giáo dục tư thục có khả năng đầu tư nhưng nếu đề cập đến tính chuyên nghiệp, tôi nghĩ nên để cơ sở kinh doanh vận tải hành khách làm việc này.
Đơn vị kinh doanh hành khách sẽ bố trí xe riêng, tài xế riêng, người quản lý học sinh... như điều 76 của Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông quy định về việc đưa đón trẻ mầm non, tiểu học phải có tối thiểu 1 người quản lý học sinh trên xe. Với xe 24 chỗ ngồi phải có 2 người quản lý trên xe.
Theo tôi, với hai phương án đưa ra về đưa đón học sinh thì nên hướng vào 1 phương án. Đó là, quy định 1 hình thức là dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đưa đón học sinh là tốt nhất. Điều này, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng, chất lượng xe và sự chuyên nghiệp của người phục vụ.
Trong dự thảo Luật Đường bộ lần này cũng đề cập đến việc thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Điều 45 của dự thảo Luật Đường bộ nêu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, trong đó có một nguồn thu từ các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc.
Còn Điều 54 của Dự thảo luật này giải thích rằng, phí trên đường cao tốc là một khoản chi phí mà các phương tiện khác phải trả khi sử dụng dịch vụ đường cao tốc. Theo tôi hiểu là các xe lưu thông trên đường cao tốc là đang sử dụng dịch vụ đường cao tốc chứ không chỉ thuần túy đi trên con đường cao tốc đó.
Dịch vụ đường cao tốc là hiểu rằng để đảm bảo xe lưu thông trên đường cao tốc một cách an toàn, nhanh chóng. Ví dụ Luật giao thông đường bộ năm 2008 nêu đường cao tốc đi nhanh hơn. Khi đường mới hình thành rộng rãi, không bị bùn đất đá bắn lên, không bị lá cây, tình trạng úng ngập... Nhưng trong quá trình vận hành thì tất cả những tồn tại này đã xảy ra. Đến đây cần những người dọn rửa sạch sẽ con đường để xe lưu thông êm thuận. Vì vậy, quy định này là hợp lý.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Phải có khoảng chờ khi thực hiện quy định
Theo quy định đưa ra các tỷ lệ đất giao thông đô thị loại 4, loại 5, loại 3, loại 2, loại 1. Nhưng thực tế không có đô thị mới nào xây dựng đạt được tỷ lệ đất giao thông đô thị đã quy định. Quy định này đang thiếu thực tế.
Theo tôi, nên quy định tỷ lệ đất giao thông đối với các đô thị đã mở ra thì có tính thực tế hơn. Chẳng hạn, về tỷ lệ đất giao thông trong đô thị loại 4, 5 có là 16 - 18%. Nhưng thực tế, khi xây dựng lại có tình trạng tỷ lệ đất giao thông không còn gây lãng phí, phiền toái trong xã hội. Trong khi giải phóng mặt bằng đều thực hiện vấn đề này.
Để giải quyết tình trạng này, trong quy hoạch xây dựng, quỹ đất cần gắn với chỉ giới xây dựng và có khoảng lùi. Trước mắt, chúng ta giao cho người dân thực hiện, quản lý.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đường bộ tại Điều 17 quy định đỗ xe phải có biển báo, đỗ, dừng xe. Trong xe phải có biển báo trước, biển báo sau nếu không sẽ vi phạm. Đây là một quy định chưa sát với thực tiễn và cần phải nghiên cứu.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Quy định Trung tâm Đào tạo và Sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải
Tôi đồng tình việc ban hành Luật Đường bộ là cần thiết để chỉnh sửa những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa đặt ra. Tuy nhiên, trong phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng thì tôi còn những băn khoăn về đối tượng áp dụng là “tổ chức, cá nhân, cơ quan đơn vị” nhưng phạm vi điều chỉnh chi ghi 2 nội dung trong phạm vi điều chỉnh là vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông thì chưa phù hợp. Những nội dung còn lại chuyển qua Luật An toàn giao thông, như vậy không hợp lý. Theo tôi, phương tiện tham gia giao thông và người tham gia giao thông phải nằm trong phạm vi điều chỉnh áp dụng của Luật Đường bộ.
Những nội dung khác trong Luật Đường bộ còn nhiều nội dung như không nói về quy định Trung tâm Đào tạo và Sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền của ai thì không nói. Tôi đề nghị, đơn vị này thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải, ghi thẳng vào Luật chứ không ghi chung chung là nội dung này do cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dung này là rất lập lờ, nếu chung chung như vậy, nhiều người nghĩ có thể giao cho Bộ Công an đào tạo, cấp giấy phép lái xe, như vậy “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do đó, cần quy định thẳng vào Luật là do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định, cấp đổi, sát hạch, kiểm tra thanh tra về cấp giấy phép lái xe. Còn những vấn đề xử lý vi phạm giấy phép lái xe giả, đào tạo không đúng quy định thì do Cảnh sát giao thông và Công an xử lý thì phù hợp hơn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp giữa các nội dung của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Dự thảo luật được chuẩn bị công phu, toàn diện với sự cố gắng tách 1 luật thành 2 luật tuy nhiên vẫn còn một số điều trùng lặp giữa dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cùng với đó, một số hành vi bị nghiêm cấm cần rà soát để thể hiện lại để tránh quá cụ thể, bảo đảm phổ quát hơn. Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng một số hành vi này chi phối bởi đạo đức nên có thể cho các thiết chế văn hóa lên tiếng liên quan đến vấn đề này. Ví dụ như quy định, không được từ chối hành khách bị tai nạn giao thông, nhưng với những người bị tai nạn lao động hoặc tai nạn gì đó thì có quyền từ chối? Cần phải làm rõ.
Về trạm thu phí đường bộ, tôi đề nghị quy định rõ nơi đặt trạm thu phí, tránh trường hợp trạm thu phí ở một nơi lại thu cho 1 tuyến đường khác. Về Điều 50 đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, biết đây là nội dung quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai, do đó, đề nghị không nên quy định lại trong luật này. Cùng với đó, chính sách phát triển đường bộ còn khá chung chung, đề nghị cân nhắc hoàn thiện Điều 5 dự thảo Luật vì giống Nghị quyết mà theo Luật Ban hành văn bản nêu rõ văn bản phải dễ hiểu, mang tính phổ quát, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng luật.