"Báo động đỏ" vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) có dấu hiệu bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân trên địa bàn, làm suy thoái nguồn tài nguyên thủy sinh vật, thiệt hại về kinh tế,...
"Chiếc máy điều hoà khí hậu" bị đe doạ vì đâu?
Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á có diện tích hơn 22.000 ha trải dài qua 5 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc) của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là vùng đất sinh tồn của hàng ngàn loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao, mỗi năm đầm phá cung cấp hàng ngàn tấn thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của dân cư trong vùng đầm phá.
Từ bao đời nay, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được ví như “chiếc máy điều hoà khí hậu” khổng lồ. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở vùng Tam Giang - Cầu Hai có ý nghĩa quan trọng, làm giàu sản phẩm du lịch Huế cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đang bị tác động tiêu cực bởi các hoạt động diễn ra trên và quanh vùng đầm phá. Việc sử dụng không gian và tài nguyên để nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản, cư trú… thiếu quy hoạch hợp lý, chưa đúng kỹ thuật và quy định, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nghề nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm, nuôi cá lồng) cùng với các hoạt động khai thác bằng các dụng cụ có tính chất hủy diệt đã làm cho nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong đầm phá cạn kiệt.
Ông Trần Văn Tơ - Chi Hội trưởng Chi hội nghề cá đội 16 Vinh Phú (xã Phú Gia, huyện Phú Vang) cho biết, nguồn nước vùng đầm phá hiện nay bị ô nhiễm nặng dẫn đến tình trạng rong mọt (nguồn thức ăn và cũng là môi trường trú ẩn an toàn của tôm, cá con) bị hủy diệt. Hệ lụy là ảnh hưởng nặng đến sinh sản của các loài thuỷ sản. Một số loại cá giá trị cao đã không còn xuất hiện như cá ong hương, cá úc.
"Trước đây lúc bà con chưa nuôi tôm thẻ chân trắng trong hồ cao triều, nguồn nước trong sạch, mỗi ngày người dân đánh bắt được vài gánh cá, nhưng giờ thì mỗi ngày chỉ đánh bắt được 1 rá nhỏ.
Do các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không xử lý chất thải đúng quy định (phải có hồ lắng), khi xử lý hồ, xả nước thải nhiễm hóa chất thẳng xuống đầm, khiến cá lồng chết hàng loạt. Mặt khác, các sinh vật khác như cá, tôm thiên nhiên cũng không thể tránh khỏi kết quả trên", ông Đỗ Văn Dường - Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội nghề cá đội 16 chia sẻ. Thực tế, anh Nguyễn Văn Tiến, người có 14 bè cá trên đầm cho biết, vừa qua do ô nhiễm, cá, tôm chết, thiệt hại gần 350 triệu đồng.
Giải pháp cần sự "đồng lòng"
Bên cạnh đó, mật độ dân số ngày càng tăng cao kéo theo nhiều vấn đề gây tác động đến môi trường. Điển hình chất thải sinh hoạt thải ra ngày càng nhiều ở các vùng ven phá, trôi nổi trên mặt nước, đóng thành từng tầng lớp dày đặc do nhiều năm không được thu gom xử lý.
Nhất là rác thải nhựa không thể tiêu hủy, tích tụ ngày một nhiều, cản trở sự lưu thông nước, trao đổi chất ở đầm phá, gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường hệ đầm phá. Ngoài ra, chính sự gia tăng lượng chất thải sinh hoạt xuống đầm phá trong điều kiện lưu thông nước kém khiến ô nhiễm chất hữu cơ và coliform ngày một nghiêm trọng. Trong các trận lũ, vùng đầm phá được ví như là miệng chứa vô số các loại chất thải từ vùng cao đổ về.
Đánh giá của các nhà chuyên môn thì chính những nguyên nhân trên đã và đang làm biến đổi chất lượng nước, suy thoái tài nguyên thủy sinh vật và giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của đầm phá. Ngoài ra, một nguyên nhân chủ quan khác đó là hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, kinh doanh tại khu vực ven đầm phá hoặc cơ sở dịch vụ hoạt động trực tiếp trên đầm phá cũng là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nước đầm phá.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế, giảm thiểu rác thải từ nguồn phát sinh, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn được coi là một giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước đầm phá. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản phải đảm bảo vùng nuôi, không sử dụng các nò sáo có mắt lưới quá nhỏ làm ảnh hưởng đến sự lưu thông nước trên đầm phá cũng là một biện pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đầm phá.
Việc phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ cũng cần phải có định hướng và phù hợp với thực tế từng khu vực tránh tình trạng đầu tư tràn lan, phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học của vùng đầm phá.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải tại khu vực ven đầm phá hoặc cơ sở dịch vụ hoạt động trực tiếp trên đầm phá cần có sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện để quản lý và có biện pháp phù hợp trong công tác quản lý nhằm phát triển kinh tế - dịch vụ nhưng phải đảm bảo cảnh quan và môi trường. Việc bảo vệ môi trường đầm phá cần tăng cường công tác giám sát chất lượng nước thải, yêu cầu các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc, giám sát chất lượng nguồn thải (nước thải) theo đúng quy định.
Là cơ quan chuyên môn, được giao về quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hằng năm Sở Tài nguyên & Môi trường đều có các văn bản hướng dẫn, yêu cầu cơ sở rà soát lại hệ thống xử lý nước thải, vận hành ổn định hệ thống hoặc nâng cấp hệ thống. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trong đó chú trọng việc giám sát chất lượng nguồn thải, trường hợp phát hiện vi phạm đều có phương án xử lý theo đúng quy định.