Bắc Giang tập trung xây dựng chính quyền thân thiện
Các địa phương, đơn vị ở tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ ở địa phương, cơ quan, đơn vị và quy định những nội dung công khai để người dân biết, được bàn và quyết định.
Đây cũng là mục đích của tỉnh Bắc Giang hướng tới việc việc xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện với người dân.
Theo công bố trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết thúc quý I năm 2023, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Trong đó có thời điểm tháng 3, tỉnh Bắc Giang vươn lên dẫn đầu về chỉ số này.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện tỉnh Bắc Giang, đối với loại hình xã, phường, thị trấn, chính quyền cơ sở đã quan tâm, thực hiện nghiêm các nội dung công khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở. Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở đã tổ chức hơn 2 nghìn cuộc giám sát trên các lĩnh vực; phát hiện sai phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với 17 vụ việc. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 828 dự án đầu tư, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với 5 dự án.
Trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện Quy chế dân chủ gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến phản ánh, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện tỉnh Bắc Giang cũng nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên; hình thức chưa đa dạng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, công khai còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo cấp huyện chưa quan tâm, chú trọng triển khai, cụ thể hóa văn bản, chỉ thị của T.Ư, tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Để khắc phục những tồn tại này, ông Lương Thế Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Nam đề nghị tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống các tiêu chí xây dựng và đánh giá chính quyền thân thiện phù hợp từng địa phương, đơn vị, vùng miền. Đi đôi với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với nhân dân.
Còn ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, kinh nghiệm để thực hiện tốt mô hình chính quyền thân thiện thì việc gì hay, có lợi cho dân, doanh nghiệp thì quyết liệt chỉ đạo, làm bài bản. Ông Mai Sơn đề nghị cần ưu tiên đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất và con người, bảo đảm giải quyết tốt mọi công việc của người dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này.Theo ông Mai Sơn, để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong xây dựng chính quyền thân thiện, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, phê bình nghiêm những nơi làm chưa tốt.
Trong khi đó bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang đề nghị, năm 2023, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả những chỉ đạo của tỉnh về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trước khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực; Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện các cấp cần tăng cường tuyên truyền về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân; gắn chặt việc thực hiện mô hình chính quyền thân thiện với một số mô hình ở cơ sở như mô hình “Công an xã, phường, thị trấn thân thiện, phục vụ, kỷ cương” hay tổ dân vận cộng đồng… “Quan tâm kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp, trong đó bổ sung nội dung chính là xây dựng mô hình chính quyền thân thiện đi đôi với làm tốt công tác nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội; nâng cao chất lượng mô hình chính quyền thân thiện”- bà Lê Thị Thu Hồng nói.
Tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu năm 2023, 30% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chính quyền thân thiện; năm 2024, 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chính quyền thân thiện; năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chính quyền thân thiện. Để triển khai tốt nhiệm vụ xây dựng chính quyền thân thiện năm 2023 và những năm tiếp theo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang bổ sung nội dung liên quan đến việc chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện vào tiểu ban xây dựng thực hành uy chế dân chủ xã, phường, thị trấn; rà soát, phối hợp với đơn vị liên quan sửa Quy chế văn hóa công sở.
MTTQ và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng giám sát; thi đua, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác này. Được biết, trong tháng 4/2023, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang sẽ tiến hành rà soát, xem xét những mô hình nào thực sự hiệu quả để nhân rộng; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa”, xử lý, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây chính là những công việc cần thiết để công tác xây dựng chính quyền thân thiện ở tỉnh Bắc Giang ngày càng gần dân, vì dân.