Bắc Giang: Phát động toàn dân cung cấp các thông tin, hình ảnh vi phạm về TTATGT
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký ban hành Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT”.
Kế hoạch này nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT.
Theo Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng đến mọi tầng lớp nhân; tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp đến từng đối tượng cụ thể, nhất là địa bàn cơ sở; treo băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, tài liệu khuyến cáo, cẩm nang, phóng sự, video clip tuyên truyền về TTATGT.
Trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình tham gia giao thông chủ động phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung ghi nhận đối với các hành vi vi phạm: “Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe ô tô đỗ, để xe không đúng quy định; xe ô tô đi không đúng phần đường, tránh, vượt sai quy định; ô tô, xe máy tụ tập thành đoàn, rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khác, gây mất trật tự, an toàn xã hội...”.
Các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân phương pháp ghi nhận các thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm: Trích xuất camera giám sát hành trình, sử dụng điện thoại thông minh quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm; thời gian (ngày, giờ) phát hiện vi phạm; tuyến đường, địa điểm xảy ra vi phạm; biển số phương tiện, đặc điểm của phương tiện (loại xe, màu sơn...); chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan. Sau khi ghi nhận được thông tin về hành vi vi phạm, quần chúng nhân dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với lực lượng công an để tiếp nhận, xử lý thông tin; đồng thời, cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp.
Phòng CSGT, công an các huyện, thành phố, công an cấp xã là đầu mối thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm TTATGT. Sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân cung cấp về các hành vi vi phạm tiến hành thực hiện đầy đủ trình tự về tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy định, thông báo trực tiếp cho lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên tuyến giao thông để kiểm tra, kiểm soát hoặc tiến hành xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo sức lan tỏa; phản hồi kết quả xử lý (đối với nguồn cung cấp thông tin đảm bảo xác định chính xác được danh tính). Chỉ đạo thực hiện các biện pháp giữ bí mật về thông tin của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu; áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu. Bên cạnh đó xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin với mục đích chống phá, tiêu cực.