28.500 tỷ đồng làm đường ven biển Bến Tre
Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài khoảng 53km. Tổng vốn đầu tư đoạn đường dự kiến khoảng hơn 28.500 tỉ đồng.
Vừa qua vào ngày 15/2, trong chương trình công tác tại Bến Tre, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát hiện trường, đôn đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 tại huyện Châu Thành và khảo sát tuyến đường ven biển Bến Tre.
Trước đó 1/9/2021, Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 1/9/2021, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre được quy hoạch có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh.
Được biết, dự án đường ven biển Bến Tre sẽ đi qua ba con sông lớn là: Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên, nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Tuyến đường có điểm đầu giao đường tỉnh 877B, thuộc xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang), điểm cuối gần cuối cầu Thạnh Phú thuộc xã Long Hòa (huyện Châu Thành, Trà Vinh). Dự án dùng nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và vốn ngân sách tỉnh đối ứng.
Công trình được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1(2022-2025) sẽ xây dựng đường quy mô cấp 3 đồng bằng (rộng 12 m), toàn tuyến có 13 cầu, hai làn xe cơ giới, tổng kinh phí hơn 13.000 tỷ đồng. Và giai đoạn 2 sau năm 2025, dự án sẽ được nâng cấp, mở rộng mặt đường trong đô thị rộng 100 m, ngoài đô thị 46 m, tổng vốn gần 15.500 tỷ đồng.
Đoạn đường ven biển Bến Tre nằm trong tuyến đường bộ ven biển miền Tây dài 740 km, từ Hà Tiên đi TP HCM đã được Chính phủ phê duyệt 13 năm trước. Dự án đi qua 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Tuyến đường bộ ven biển tỉnh được xem là nơi giao hội của các tuyến giao thông quốc gia. Cụ thể: phía Bắc kết nối với tỉnh Tiền Giang thông qua QL.50, đi Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ; phía Nam nối với tỉnh Trà Vinh thông qua QL.53, QL.54 và cầu Cổ ĐChiên trên QL.60 hiện đang khai thác, tiếp tục đi xuống Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; phía Tây kết nối với Vĩnh Long qua QL.57 tiếp tục đi Đồng Tháp. Khi đường này hoàn thành, sẽ rút ngắn khoảng cách hàng chục km, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn cho quốc lộ 1A và quốc lộ 50.
Đồng thời, mạng lưới đường cao tốc trục ngang dự kiến được hình thành trong giai đoạn 2025 - 2030 (bao gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu) sẽ tạo ra khu vực tứ giác Long Xuyên để kết nối giao thông với trục dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Từ đó, tạo ra sức hút giao thông hướng về tuyến đường ven biển đang được đề xuất hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2025 - 2030.
Tuyến đường này có ý nghĩa kết nối liên vùng và đóng vai trò rất quan trọng, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng.