Yên Bái: Hỗn loạn, mất ATGT trên QL2D
Mặc dù đã có các quy định đảm bảo ATGT khi thi công các công trình giao thông, nhưng trên QL2D đơn vị thi công lại gây trở ngại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Tại tỉnh Yên Bái tình trạng vi phạm ATGT, tiềm ẩn TNGT đang diễn ra này diễn ra trên QL2D khi nhà thầu thi công công trình sử dụng xe hết hạn đăng kiểm mà chưa bị cơ quan chức năng xử lý.
Cụ thể, theo ghi nhận thực tế của PV thì tại gói thầu sửa chữa hư hỏng nền mặt đường và công trình trên QL2D (đoạn từ km6+100 - km118+760 đoạn qua tỉnh Yên Bái) xuất hiện ít nhất 3 xe đã hết hạn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ngang nhiên lưu thông. Vào thời điểm PV có mặt tại đây, những chiếc xe này vẫn vô tư chở nguyên vật liệu để phục vụ công trình.
Có điều, những chiếc xe tải này dù không đủ điều kiện lưu hành lại phục vụ chở vật liệu trong công trường có nhiều phương tiện lưu thông qua lại, càng gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông!?
Chưa kể, khi thi công dự án này, nhà thầu xây dựng thi công đã thiếu biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, tại thời điểm PV có mặt tại hiện trường đoạn từ km110+600 đến km110+800 trên QL2D như: Thiếu biển cảnh báo, thiếu có người cảnh giới hướng dẫn giao thông ở hai đầu đoạn đường thi công, người cảnh giới hướng dẫn giao thông không thấy sử dụng còi, cờ, đeo băng đỏ, gậy điều hành, đồng phục đúng theo quy định…
Trong khi đó, nhà thầu thi công chỉ đặt biển cảnh báo khi thi công ở cách vị trí thi công thực tế khoảng gần 2km. Nhiều người dân tham gia giao thông trên đoạn đường này vô cùng bối rối, thiếu thông tin và lưu thông lộn xộn vào giữa những chiếc xe lu, xe tải chở vật liệu, nhóm công nhân đang thi công tại đoạn đường này. Liệu rằng việc thi công cẩu thả mất an toàn của nhà thầu có đảm bảo ATGT cho người và phương tiện lưu thông trên đoạn đường này?
Được biết, chủ đầu tư dự án này Sở GTVT tỉnh Yên Bái, còn nhà thầu thi công xây dựng là Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Trường An Vĩnh Phúc - Anh Nam - Liên Bình. Trao đổi với PV Banduong.vn về tình trạng trên, ông Nguyễn Trọng Tiến, Trưởng ban Quản lý Dự án Bảo trì đường bộ - Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết: “Tôi sẽ cho kiểm tra và thông tin lại sau”.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ) về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông; có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng. Cụ thể như sau, đối với hành vi điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng thì xử phạt đối với người điều khiển phương tiện: Tại điểm a khoản 5 Điều 16 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Tại điểm c khoản 6 Điều 16 quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Xử phạt đối với chủ phương tiện Tại điểm b khoản 8 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm đưa xe cơ giới có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông. Ngoài ra, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Còn tại điểm c khoản 9 Điều 30 quy định: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm đưa xe cơ giới có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông. |