VN-Index đang chờ đợi điều gì?
VN-Index sẽ hướng về mức 1.550-1.570, thậm chí lên 1.600 điểm trong tháng 4; tương ứng với mức P/E dự phóng là 18,x.
VN-Index sẽ hướng về mức 1.550-1.570 điểm trong tháng 4
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá mức P/E của VN-Index là 17,3x tại phiên 31/3, thấp nhất trong khu vực cho thấy định giá vẫn còn rất hấp dẫn và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Thị trường phục hồi sản xuất sau giai đoạn hậu Covid-19, cùng với các gói kích thích kinh tế được xem là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán nói riêng. Đồng thời, thị trường chứng khoán cũng bước vào mùa ĐHĐCĐ với nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 với mức nền thấp trong năm 2021.
Rủi ro địa chính trị giảm dần, cùng với đó tác động từ việc tăng lãi suất của Fed sẽ không ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán, YSVN kỳ vọng các rủi ro ngắn hạn sẽ thấp hơn so với tháng 3.
Dự báo VN-Index sẽ hướng về mức 1.550-1.570 điểm trong tháng 4, tương ứng với mức P/E dự phóng là 18,x – mức này vẫn thấp hơn so với mức đỉnh cao nhất trong năm 2020 và 2021.
Về các yếu tố vĩ mô, YSVN cho biết mặc dù biến thể omicron xuất hiện từ đầu tháng I gây những lo ngại tới nền kinh tế. Tuy nhiên, nhờ các doanh nghiệp quen với việc sống chung cùng Covid và mức độ ảnh hưởng không quá lớn từ chủng omicron đã giữ đà hồi phục kinh tế quý I với mức tăng trưởng 5,03%.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 3 tháng đầu năm 2022 giảm nhưng vốn giải ngân duy trì đà tăng trưởng cao 7,8% so với cùng kỳ. Trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp đã hồi phục rất tốt từ cuối năm 2021 tới nay thì lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã cho những tín hiệu khởi sắc trong 2 tháng gần đây nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng, hoạt động du lịch trong nước hồi phục mạnh sau khoảng thời gian dài hạn chế đi lại và việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế đã bắt đầu từ giữa tháng 3.
Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong thời gian tới ngoài đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, chúng tôi cho rằng cốt lõi vẫn đến từ việc triển khai chương trình hỗ trợ 350.000 tỷ, đặc biệt các dự án hạ tầng công mà theo kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4 hoặc tháng 5 tới. YSVN điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6,29%, giảm so với mức dự báo 6,39% tại cuối năm 2021, sau những căng thẳng Nga-Ukcraine khiến giá cả hàng hóa nguyên liệu tăng cao và rủi ro gia tăng lạm phát, với kỳ vọng xung đột Nga-Ukraine sẽ không leo thang nhiều hơn nữa và tỷ lệ lạm phát ở mức 3,6%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng mạnh trong 2 tháng gần đây cũng như lạm phát gia tăng là hai yếu tố cần theo dõi hiện nay. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của Chính phủ và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng nền kinh tế khi giá cả hàng hóa tăng cao. YSVN cho rằng, lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, ngoài do tác động vấn đề địa chính trị thế giới và yếu tố lạm phát, thì tăng trưởng tín dụng ở mức cao cũng khiến nhu cầu trái phiếu Chính phủ thấp hơn.
Các kịch bản đều tích cực
Theo báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 3, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán. Kịch bản thứ nhất, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 và hướng tới 1.600 điểm khi nền kinh tế hồi phục khả quan, hoạt động mở cửa du lịch, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được mở rộng…, căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, giá cả các hàng hóa có tín hiệu tích cực. Các cổ phiếu chủ chốt đóng vai trò dẫn dắt. Dù vậy, thị trường dự báo phân hóa mạnh dựa trên kết quả kinh doanh quý I, triển vọng kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như diễn biến quốc tế.
Kịch bản thứ 2, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng hàng hóa có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Điều này gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, tác động đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Mặt khác, động thái các NHTW lớn trên thế giới tại các cuộc họp tiếp theo sẽ tác động đến tâm lý chung toàn thị trường. VN-Index thoái lui sau nhịp tăng điểm và tích lũy lại trong khoảng 1.470 ± 30 điểm.
Thanh khoản dự báo duy trì ở mức 1,3 tỷ USD/phiên trong quý II khi VN-Index tiếp tục giao dịch tích lũy trong kịch bản thứ hai khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch kinh doanh năm 2022.
P/E VN-Index cuối quý I ở mức 17,33 lần, tăng nhẹ 0,4% so với quý trước, và cao hơn mức 16,44 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E của VN-Index hiện vẫn ở mức trung bình và ở vị trí thứ 11 châu Á. Tuy nhiên, P/E HNX-Index đang ở mức đắt so với khu vực. P/E VN-Index được BSC dự báo tiếp tục vận động trong vùng 16,5-17,5 khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I.
Về chiến lược đầu tư tháng 4, với việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng như hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia trong nhiệm kỳ, BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công, và gói phục hồi kinh tế gồm ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công, ngành bất động sản.
BSC khuyến nghị nhà đầu tư xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, cũng như từ tác động xung đột địa chính trị và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc thuộc nhóm ngành bán lẻ, phân bón, thủy sản, hóa chất, dệt may, công nghệ thông tin, hoạt động chuyển phát. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc cũng như những diễn biến tiếp theo xung quanh căng thẳng giữa Nga – Ukraine.