Chuyên mục


Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông

08/04/2022 05:57 (GMT +7)

Ngày 5/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Nghị quyết nêu rõ, để tiếp tục giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện môi trường, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

Tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông

Tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông

Đồng thời, việc nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải cần được chú trọng, song song với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Nhiệm vụ tiếp theo là tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.

Cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm

Về các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng dự án Luật Đường bộ theo ý kiến của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, trong đó xác định an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông là một trong các mục tiêu chính khi triển khai, thực hiện các giải pháp về quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hướng dẫn, tổ chức triển khai các quy hoạch toàn ngành và các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó nghiên cứu triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch; ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kết nối, khu hậu cần của các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội địa trọng điểm, bảo đảm hiệu quả kết nối giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải, thúc đẩy phát triển logistics;

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tập trung triển khai các giải pháp tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông phát sinh trong quá trình khai thác.

Triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông

Chính phủ giao Bộ Công an triển khai Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính (theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ); tiếp tục xây dựng, triển khai giai đoạn 2 cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết nối, chia sẻ dữ liệu của Cảnh sát giao thông với các đơn vị trong và ngoài ngành công an để phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn về hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông để thống nhất áp dụng và thực hiện trong toàn quốc.

Bộ Công an đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông gắn với phòng, chống tội phạm của lực lượng công an nhân dân; thí điểm và từng bước lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm.

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập mới các Trung tâm cấp cứu 115 và nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, bảo đảm khả năng cấp cứu tai nạn giao thông theo quy định, đáp ứng trực cấp cứu 24/24h tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế, bảo đảm bán kính phục vụ 50 km.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát nghiên cứu để sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước theo hướng phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường tính chủ động của ngân sách địa phương trong việc bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển liên kết vùng miền.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, thân nhân của nạn nhân gặp tai nạn giao thông theo đúng quy định pháp luật; đề xuất tiếp tục hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao năng lực của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phù hợp với tình hình mới.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch triển khai, dự toán ngân sách thực hiện hàng năm trình Hội đồng nhân dân thông qua để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; sử dụng nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; sử dụng kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại đối với thiết bị cân, trạm kiểm tra tải trọng xe...

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

Theo Nghị quyết, UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, ngoài triển khai các nội dung theo quy định trên, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, trên cơ sở thực tế của từng thành phố, UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh rà soát, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các Nghị quyết về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35%; áp dụng công nghệ giao thông thông minh trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông đô thị; tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Các thành phố nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh tập trung các nguồn lực xử lý ngay các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

PV
Điện Biên: Xe tải mất phanh lật nghiêng chắn ngang QL.6
Chiếc xe tải bị lật nghiêng chắn ngang đường khiến giao thông ùn tắc kéo dài, may mắn không có thiệt hại về người.

TP.HCM: Đình chỉ 24 tháng tài xế chạy xe buýt ngược chiều
Ngày 21/11, một đoạn clip đã ghi lại cảnh chiếc xe buýt số 69 (Bến xe buýt Sài Gòn - KDC Vĩnh Lộc) ngang nhiên chạy ngược chiều trên tuyến giao thông đông đúc khiến người dân vô cùng bức xúc.

Quảng Ninh: QL 18 và đường tỉnh 338 'chìm trong bóng đêm'
Thời gian vừa qua, trên tuyến Quốc lộ 18 và đường tỉnh (ĐT) 338 đoạn qua địa bàn xã Sông Khoai và phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh mỗi nơi dài khoảng 5 km chìm trong bóng tối vào ban đêm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt khi lưu lượng xe cộ ở đây ngày càng đông đúc.

Hoà Bình: Bắt giữ hai đối tượng cướp giật trên QL.6
Công an huyện Lương Sơn bắt giữ Nguyễn Văn Mong (SN 1996, trú tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình), Đỗ Văn Thảo (SN 1994, trú tại TX Nghi Sơn, Thanh Hóa) là 2 đối tượng cướp giật tài sản xảy ra trên Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Lượng Sơn (Hoà Bình) ngày 18/11.

Va chạm với ô tô tải, 1 người tử vong trên QL.6
Cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe ô tô tải và xe máy trên QL.6 đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khiến 1 người tử vong.

Bắc Giang đảm bảo ATGT cho học sinh
Công tác đảm bảo ATGT cho người dân nói chung và học sinh nói riêng được tỉnh Bắc Giang rất quan tâm. Công tác này được Bắc Giang chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm kéo giảm TNGT ở địa phương.

Tăng cường xử lý, đảm bảo ATGT dịp cuối năm
Để đảm bảo trật tự, ATGT dịp cuối năm, đội Thanh tra GTVT huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã bố trí nhiều tổ công tác tuần tra, xử lý các phương tiện xe chở vật liệu vi phạm khi lưu thông trên địa bàn.