Chuyên mục


Chính phủ yêu cầu điều tra vi phạm phát hành trái phiếu và đấu giá đất

07/04/2022 21:25 (GMT +7)

Sau những sai phạm nghiêm trọng tại Tân Hoàng Minh, Thủ tướng yêu cầu thanh tra và chấn chỉnh nghiêm hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá quyền sử dụng đất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Công điện nêu rõ, ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó là tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu; nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng... theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15 tháng 4 năm 2022.

Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trước ngày 30 tháng 4 năm 2022.

Cùng với đó là chủ động công bố thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật; cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm an toàn thị trường. Chủ động phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo quy định cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc.

Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường vốn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Riêng đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt là các trái phiếu phát hành của doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Đồng thời rà soát hoạt động cho vay vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng để nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng.

Nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được nêu trong công điện bao gồm chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bất động sản ở các địa phương. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, gây mất ổn định thị trường, kịp thời xác minh, làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để xảy ra trục lợi. Rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập, thiếu sót, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi lợi dụng, hành vi vi phạm để trục lợi.

Cuối cùng, nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây mất ổn định thị trường.

Nguyên Ý
Động thái của cổ đông lớn gây chú ý về VNS
Cổ đông thoái vốn sau khi nhận cổ tức là chuyện không lạ; nhưng với Vinasun mà nói thì Tael Two Partners là cổ đông "tri kỷ" khi đã gắn bó suốt 10 năm gần như không mấy khi bán ra, đến nay họ đã sở hữu lượng cổ phần chỉ sau Chủ tịch. doanh nghiệp. Bất ngờ, quỹ ngoại này muốn cắt lỗ...

Đề xuất nâng cấp 3 tuyến quốc lộ kết nối với Lào, Trung Quốc
Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối Việt Nam với Bắc Lào và Trung Quốc dự kiến khoảng 9.419 tỷ đồng.

Hải Phòng sẽ có thêm cảng nước sâu Nam Đồ Sơn
UBND thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp Việt Nam gồm: Saigontel, Kinh Bắc, ECV vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với cảng Quốc tế Los Angelesc, Hoa Kỳ về việc nghiên cứu phát triển dự án Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn.

Đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Liên Khương
Cao tốc sẽ có 4 làn xe, rộng 17 m, bố trí làn khẩn cấp, tốc độ 80 - 100 km/h. Trong đó, 48 km trên tuyến thuộc tỉnh Khánh Hoà, 55km còn lại đi qua Lâm Đồng.

Đầu tư 65.000 tỷ đồng làm thêm đường sắt đô thị
Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, dài 38,43 km với 21 nhà ga.

Xây dựng cầu Bến Thủy 3 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy 3 là một trong những dự án được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trong thời gian tới theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt.

Đầu tư thêm cho cầu Rạch Miễu 2
Theo điều chỉnh, cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2026; tổng mức đầu tư dự án là 6.810,11 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2020.