Tân Hoàng Minh Group lại nổi tiếng ở Hà Nội
Khu đất 0,38 ha giáp hai mặt đường Nghi Tàm và Yên Phụ đang quây rào với tên Tân Hoàng Minh Group - Ngọc Linh thực ra đã được giữ chỗ từ tháng 7/2007 theo quyết định của UBND TP Hà Nội.
"Hà Nội có những khu đô thị 10 năm chỉ có 1 nhà ở"
Vừa qua, xung quanh khu đất 161 Yên Phụ đối diện khách sạn Thắng Lợi đã xuất hiện một loạt hàng rào mới, đề biển Tân Hoàng Minh - Ngọc Linh. Theo danh mục các dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021, quận Tây Hồ, khu vực 0,38 ha được sử dụng vào dự án xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh.
Khu đất nằm ngay cạnh dự án Sanrio Hello Kitty World Hanoi của Tập đoàn BRG về phía Nam; hai mặt Đông Tây của khu đất cũng giáp với đường Yên Phụ và Nghi Tàm. Lô đất được đánh giá nằm ở vị trí đắc địa nhất thủ đô với đặc điểm nằm cạnh hồ Tây, sát trung tâm Hà Nội và gần các khách sạn nổi tiếng như Sheraton, Intercontinental Hanoi Westlake, khách sạn Thắng Lợi.
Từ tháng 7/2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho phép Ngọc Linh sử dụng 3.931 m2 đất thực hiện dự án. Sau điều chỉnh năm 2013, 1.530 m2 của lô đất ban đầu nằm ngoài chỉ giới đường đỏ của khu đất được dùng để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh.
Theo Quyết định năm 2013, khu đất này có thời hạn sử dụng 50 năm có thu phí và không được xây nhà ở để bán hay cho thuê. UBND quận Tây Hồ và Thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ 2019. Tuy nhiên, khu đất vẫn chưa triển khai dự án từ đó đến nay.
Điển hình như lô "đất kim cương" tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mục đích ban đầu là xây trung tâm thương mại và tái định cư. Tuy nhiên, sau khi được giao đất năm 2011, chủ đầu tư là Công ty CP Thời đại mới T&T (công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch sang trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở (có tên thương mại là D' San Raffles).
Dù được phê duyệt thời gian thực hiện là năm 2015 - 2018 nhưng mãi cuối tháng 1/2021, dự án D' San Raffles mới rục rịch được khởi công sau nhiều năm "đắp chiếu". Sau đã đổi chủ đầu tư là Masterise Homes với vai trò là đơn vị phát triển dự án này và nhà thầu thi công.
Cách đây không lâu, hồi cuối tháng 3, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã có những nhận định khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, cần tập trung giám sát trong lĩnh vực đất đai và những dự án dang dở nằm phơi mưa phơi nắng, gây ra lãng phí rất lớn. "Ngay tại Hà Nội cũng có những khu đô thị cỏ mọc lút đầu, 10 năm chỉ có 1 nhà ở, còn đâu bỏ hoang", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, chỉ khi nêu rõ địa chỉ trách nhiệm mới tạo chuyển biến sau giám sát, còn nếu vẫn chung chung như có nơi, có lúc... thì sau giám sát cũng sẽ không có chuyển biến. Được biết, tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao chuyên đề này.
Lãnh đạo Tân Hoàng Minh nắm rất rõ "lỗ hổng"
Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu xác minh một số dự án bất động sản sau khi trúng đấu giá lô đất vàng 3-12 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và bỏ cọc, tổng giá trị lô đất lên tới 24.500 tỷ đồng.
11 dự án bất động sản do tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư đang bị Bộ Công an xác minh gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’ San Raffles Hàng Bài; D'. Le Roi Soleil Quảng An; D’.El Dorado Phú Thượng; D’.Dorado Phú Thanh; D’Capitalle Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng; D’. Jardin Roy,..
"Dân gian nôm na hay gọi là "xí phần". Chủ đầu tư cứ xin dự án rồi để đấy không triển khai. Có "ông" đợi đấy, lúc giá được thì "sang tay"
Ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam
Đáng nói, trong đó có dự án D’. Jardin Royal của Tân Hoàng Minh tại Đại Cồ Việt đã trải qua 19 năm nhưng vẫn còn “dang dở” do nhiều nguyên nhân như: Từng thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra; Chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô công trình; Dự án nằm trong diện công trình nhà ở cao tầng thuộc khu vực nội thành cần rà soát; chủ đầu tư thiếu phối hợp các cơ quan chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục xây dựng.
Đây cũng là dự án của công ty con và Tân Hoàng Minh nhằm bán lẻ trái phiếu với mục tiêu " lấy tiền làm dự án". Theo quảng cáo dự án này được lấy làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu của công ty này dưới sự quản lý của Vietinbank cho dù đã chậm tiến độ gần 20 năm.
Khi các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu ồ ạt giới chuyên gia đã tăng mạnh cảnh báo rủi ro. Khi có thể đây là hình thức phát hành trái phiếu mới để trả nợ trái phiếu cũ; phát hành trái phiếu để đảo nợ,…
Về vấn đề này, theo các chuyên gia, có hiện tượng một số doanh nghiệp nắm giữ "đất vàng" không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời đã không trả lại đất cho Nhà nước mà lai kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp.
Thực tế, không ít dự án sau thời gian "đắp chiếu" bỗng dưng được khởi động trở lại khi được thay chủ mới, được điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho chủ đầu tư… Khi dự án bỏ hoang hồi sinh thì giá bất động sản cũng tăng cao ngất ngưởng, đặc biệt ở những dự án có vị trí "đất vàng". Cũng nhiều khu đất đẹp được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn.
Với hàng loạt dự án đất vàng bỏ hoang từ 1-2 thập kỷ, Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng là một điển hình doanh nghiệp gây lãng phí tài nguyên quốc gia như theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nói.