Vì sao nhiều tuyến phố Hải Phòng thoát nước chậm?
Gần một ngày sau trận mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngập sâu trong nước, đến sáng nay (10/6), vẫn còn hiện tượng ngập úng cục bộ do khả năng tiêu thoát nước chậm tại một số khu vực.
Thống kê của công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho thấy, năm 2018 trận mưa lớn nhất đạt 287 mm; năm 2021 trận mưa lớn nhất đạt 265 mm và trận mưa vừa ghi nhận được ngày hôm qua (9/6) là 335 mm. Đây được đánh giá là trận mưa lớn nhất trong khoảng thời gian 20 năm trở lại. Do lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây nên tình trạng ngập lụt tại nhiều tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn các quận nội thành. Điển hình là các phố Tô Hiệu (đoạn Ngã 4 Trại Lính đến Hồ Sen, ngã 3 Lâm Tường – Tô Hiệu) của quận Lê Chân; ngã 3 Lương Khánh Thiện – Nguyễn Khuyến thuộc quận Ngô Quyền hay khu vực 312 Hùng Vương, quận Hồng Bàng… chiều sâu ngập lụt tính từ tim đường từ 70 đến 80 cm.
Do đó, ngay khi bắt đầu có mưa, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng của các cống ứng trực 100% để điều tiết mực nước tại các cánh cống. Từ 4 giờ sáng ngày 9/6, công ty đã bố trí công nhân khơi thông cửa xả, mở các miệng thu... Đến khi bắt đầu mưa lớn, đơn vị thực hiện bơm tại các trạm bơm nước mưa: Ba Tổng, Vĩnh Niệm, Máy Đèn, Nam Sông Cấm, Thượng Lý, Trại Chuối và hầm chui Bạch Đằng, hầm chui cầu Rào để tăng cường tiêu thoát nước cho thành phố. Đồng thời, hạ thấp mực nước trong các mương hồ điều hòa xuống mức thấp nhất có thể (trước khi mưa và trong suốt quá trình về sau). Như kế hoạch, đơn vị bố trí nhân viên trực vớt rác tại các cửa thu, miệng ga hàm ếch để nước rút nhanh. Mở ga thoát nước tại các vị trí xung yếu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước. Kiểm tra, chốt trực tại các điểm nóng ngập lụt như: An Đà, Đình Đông, Bốt Tròn, Tô Hiệu, Lê Lợi, Cầu Đất, đường 5, chân cầu Bính. Điều tiết mở các cánh cống ngăn triều, cánh phai ra cửa sông. Khơi thông dòng chảy tại các mương hồ điều hòa…
Do mưa lớn kéo dài và theo lịch thủy triều, nước bắt đầu lên vào khoảng 11 giờ trưa cùng ngày gây bất lợi cho quá trình tiêu thoát nước. Đến chiều tối 9/6, trong lúc nhiều khu vực của thành phố còn chưa kịp tiêu thoát hết nước thì Hải Phòng tiếp tục đón thêm một trận mưa rào kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Ghi nhận tại đường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), nhiều phương tiện ô tô, mô tô chết máy, phải chờ cứu hộ. Còn khu vực hồ điều hòa Ông Báo, cùng quận này, thời điểm hơn 19 giờ, mực nước trên đường nhựa với hồ là ngang nhau, nên khả năng tiêu thoát nước bị hạn chế.
Sang đến sáng 10/6, nhiều người dân trong lúc đi làm không khỏi lúng túng vì khu vực họ sinh sống hoặc một vài tuyến đường họ đi qua nước còn ngập úng. Một người dân sống ở quận Ngô Quyền cho biết: “Sáng nay tôi đi làm qua ngã 3 Lương Khánh Thiện – Nguyễn Khuyến thấy nước vẫn còn ngập nặng, nhiều người cố tình cho xe chạy qua, nước ngập ngang ống bô. Tôi sợ xe chết máy, sẽ muộn giờ làm nên đành quay đầu xe, tìm lối khác để đi”.
Tình trạng tương tự cũng tồn tại ở một số tuyến đường Trung Lực, Kiều Sơn, khu vực chợ Hoa Đằng Hải … của quận Hải An.
Theo đại diện lãnh đạo công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, nguyên nhân chính của trận lụt "lịch sử" này là do lượng mưa đã vượt ngưỡng, bất khả kháng. Trong khi, khả năng thoát nước ở nội thành Hải Phòng chỉ là 100 mm. Ngoài ra, một số xóm ngõ, khu dân cư có cốt san nền thấp; các khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án đang thi công hoặc chưa hoàn thiện việc đấu nối thoát nước, điển hình là khu vực quận Hải An, nơi mà hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế.
Có thể nói, quá trình mưa giông làm cành, lá cây rơi rụng, cùng với một lượng rác thải kích thước lớn cuốn trôi theo dòng nước đổ dồn về các miệng cống, lọt xuống đường ống thoát nước cũng ít nhiều làm hạn chế dòng chảy, ảnh hưởng đến tốc độ tiêu thoát nước.