VATA kiến nghị giải quyết một số vấn đề trong quản lý đào tạo, sát hạch lái xe
Ngày 3/8/2022, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) Nguyễn Văn Quyền đã ký Công văn số 55/HHVT gửi Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị giải quyết một số khó khăn vướng mắc trong quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.
Trên cơ sở tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị và các ý kiến trao đổi của đại diện các bên có liên quan, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, phân tích cùng các chuyên gia và các cơ sở đào tạo đã bước đầu áp dụng các quy định mới tại cơ sở... Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải một số nội dung quan trọng.
Về sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: Cơ bản các ý kiến từ cơ sở đồng tình với việc áp dụng quy định về học, sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Tuy nhiên có một số bất hợp lý được phản ánh như để xử lý được các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng, phải có kỹ năng của người lái xe đã tham gia giao thông, có kinh nghiệm lái xe chứ không phải của người chuẩn bị dự sát hạch, chưa có giấy phép lái xe; Phần mềm không ổn định, dùng trên PC (máy tính bàn) một kiểu, dùng trên laptop một kiểu, dùng trên điện thoại lại một kiểu khác.
Từ đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Một là, kéo dài thêm thời gian tối ưu nhận diện tình huống với điểm tối đa thêm 5 giây; Xây dựng thang điểm hình chóp. Cụ thể: nhận diện tình huống càng sát khung thời tối ưu thì điểm càng cao, sớm quá chưa phát sinh tình huống 0 điểm; càng gần đỉnh, điểm càng cao; điểm sẽ giảm dần về 0 điểm nếu xảy ra va chạm (Hiện nay phần mềm cho 0 điểm nếu bấm sớm hơn thời gian tối ưu).
Hai là, hạ thấp điểm đạt xuống 30 đến 32 điểm thay vì mức 35 điểm để phù hợp với đối tượng học viên rất đa dạng về độ tuổi, khả năng phản xạ, học vấn… Trong thực tế với những người chưa có nhiều kinh nghiệm khi lái xe họ sẽ điều khiển xe ô tô ở tốc độ thấp hơn để đảm bảo an toàn. Ba là, nghiên cứu bố trí thứ tự các nội dung sát hạch hợp lý theo trình tự sát hạch lý thuyết, sát hạch lái xe trong hình, sát hạch lái xe trên đường, sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng.
Về thực hiện thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường: Hiện nay, trong đào tạo - sát hạch lái xe, đối tượng người học rất đa dạng về trình độ học vấn, độ tuổi, ngành nghề, … không phải ai cũng có đủ điều kiện thời gian để thực hiện đủ quy định 100% về thời gian học. Đối với học lý thuyết, nhất là môn Luật giao thông đường bộ nhiều người có thể tự học.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Một là, bỏ quy định về phải đạt 100% thời gian học Luật giao thông đường bộ mới được sự sát hạch hoặc điều chỉnh quy định học 30%-50% thời gian là đủ điều kiện sát hạch. Hai là, về giám sát số km học thực hành lái xe, do khả năng hình thành kỹ năng lái xe của người học khác nhau đề nghị sửa quy định: người học đạt 80% km thực hành lái xe trở lên, qua kiểm tra đạt yêu cầu là đủ điều kiện dự sát hạch lái xe để phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp.
Về thực hiện quy định trang bị cabin điện tử trong đào tạo lái xe: Theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị cabin điện tử phục vụ học thực hành lái xe ô tô. Hiện nay vẫn chưa có loại cabin điện tử được công nhận hợp quy bán trên thị trường nhưng đã có một số nhà cung cấp chào bán với giá 350 đến 400 triệu đồng một cabin.
Việc đầu tư số lượng cabin phù hợp với lưu lượng đào tạo của cơ sở cần khoản đầu tư lớn. Một số ý kiến phản ánh: Việc áp dụng cabin điện tử vào đào tạo lái xe đã được áp dụng trước đây, nhất là các cơ sở của nhà nước, của quân đội, công an nhưng sau đó không có hiệu quả nên đã bãi bỏ; một số người đã ngồi thử cabin điện tử phản ánh sau 10-15 phút có hiện tượng bị chóng mặt, bị choáng…
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có công nhận hợp quy cabin điện tử; tổ chức thí điểm, đánh giá tính khả thi, hiệu quả trước khi triển khai trên diện rộng. Đồng thời nghiên cứu khả năng tích hợp phần mềm mô phỏng vào các tình huống giao thông trong cabin điện tử để sát hợp với nhu cầu đào tạo, tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo.
Về Giấy phép xe tập lái, theo quy định hiện hành, trên giấy phép xe tập lái phải ghi tuyến đường tập lái. Quy định như vậy không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, trên Giấy phép xe tập lái chỉ ghi “trên đường giao thông công cộng”, (trừ tuyến đường…).