"Gỡ vướng" trong đào tạo, sát hạch lái ô tô
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu và xem xét đổi mới về phương thức quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng tập trung quản lý giám sát thật chặt và đảm bảo chất lượng.
Ngày 26/7, tại Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm “Về những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô và đề xuất kiến nghị”.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được ý kiến từ Chi hội Đào tạo - Sát hạch lái xe và một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tại các tỉnh, thành phố kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
“Trên cơ sở tiếp nhận các thông tin từ các nội dung kiến nghị, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan có một số nội dung vẫn còn cách hiểu khác nhau và chưa thống nhất giữa các địa phương cần được làm rõ và thống nhất để các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý để thống nhất thực hiện trong thời gian tới”, ông Quyền nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phan Thanh Uy - Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thông tin, với đặc thù của lĩnh vực đào tạo lái xe người học có thể là học nghề để trở thành lái xe chuyên nghiệp, cũng có thể là học để lái xe phục vụ sinh hoạt gia đình; đối tượng người học cũng rất đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn… nên nếu đổi tên từ trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp có phần khiên cưỡng.
“Như vậy, nếu thực hiện đổi tên gọi cơ sở đào tạo hiện hành thành “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp…” thì tất yếu phải thực hiện quy trình thủ tục với nhiều cơ quan chức năng để thay đổi nhiều loại giấy tờ theo tên gọi mới, dẫn tới tốn kém nhiều công sức và tiền bạc không cần thiết, đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện tại các cơ sở đào tạo chưa kịp phục hồi sau đại dịch COVID-19”, ông Uy cho biết.
“Có ý kiến cho rằng khi xây dựng phần mềm mô phỏng, các nhà thiết kế đã sử dụng nền tảng dữ liệu dựa trên kỹ năng và phản xạ của người lái xe thực thụ, đã có đủ kỹ năng và kinh nghiệm xử lý các tình huống giao thông trên đường. Đặc biệt, với giáo trình mỗi học viên có 4 giờ để ôn luyện phần mềm mô phỏng là khá thấp, thay vì 4 giờ chúng ta có thể tăng giờ lên thành 15-20 giờ để học viên có thêm thời gian ôn luyện nhằm đạt kết quả cao trong bài thi”, ông Lại Thế Chất - Giám đốc công ty cổ phần Thành Đạt chia sẻ.
Cũng theo ông Chất cho biết, trong thực tế có rất nhiều học viên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp xúc với máy vi tính, nhiều học viên đã lớn tuổi, nên kỹ năng sử dụng máy vi tính còn rất hạn chế và lúng túng khi thực hiện bài sát hạch trên máy vi tính, dẫn tới kết quả sát hạch phần mềm mô phỏng đạt rất thấp. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thời gian thực hiện sát hạch phần mêm mô phỏng đối với các khóa, lớp học lái xe ô tô cho phù hợp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Toản – Chủ tịch HĐTV Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, xuất phát từ những giá trị thực tiễn tại đơn vị sát hạch, đối với học thực hành lái xe thì không phải với tất cả học viên đều cần phải có số km học thực hành như nhau mới có kỹ năng theo yêu cầu.
“Việc quy định bắt buộc học lý thuyết tập trung trên lớp cũng như học thực hành lái xe phải đảm bảo 100% quãng đường theo quy định trong chương trình đào tạo là chưa phù hợp với thực tiễn. Trong 6 tháng đầu năm 2022 vừa qua, cả nước có hơn 3.000 vụ tai nạn giao thông, nếu so với năm 2017 thì con số này rất nhỏ”, ông Toản nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu và xem xét đổi mới về phương thức quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện quản lý quá chi tiết vào quá trình đào tạo, tập trung quản lý giám sát thật chặt đảm bảo chất lượng quá trình sát hạch lái xe như một số nước trên thế giới đang thực hiện.
Xem xét loại bỏ việc giám sát thời gian học lý thuyết đối với học viên. Mỗi học viên đảm bảo thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường đạt tối thiểu từ 70 - 80% so với yêu cầu đặt ra là đủ điều kiện dự sát hạch cấp Giấy phép lái xe.