Vận tải dầu khí - doanh nghiệp "anh hùng" nhất sàn chứng khoán
6 tháng đầu năm 2023, chỉ có duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã: PVP). Đến thời điểm hiện tại, đây là lượng cổ phiếu niêm yết mới trong một năm thấp nhất lịch sử.
Hoạt động niêm yết mới trên HoSE còn thiếu cả về chất. Số lượng hồ sơ chờ duyệt chỉ khoảng hơn chục hồ sơ, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang giao dịch trên UpCOM muốn chuyển niêm yết. Bóng dáng các “bom tấn” gần như không có sau khi một số tên tuổi được chờ đợi đã “quay xe” vì nhiều lý do khác nhau.
Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương được thành lập vào tháng 12/2007 với các cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC), Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Vốn điều lệ ban đầu là 1.200.000.000 đồng. Tháng 10/2016 đánh dấu mốc thời gian quan trọng đối với công ty, đóng góp cùng với Tổng công ty PVTrans đã thực hiện vận chuyển thành công 600 chuyến dầu thô an toàn hiệu quả cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần đảm bảo đầu vào cho nhà máy hoạt động liên tục và hiệu quả.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2023, PVP đạt tổng doanh thu 323,68 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 59,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 47,44 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Theo PVP, tổng doanh thu tăng nhẹ, tuy nhiên lợi nhuận tăng trưởng cao so với quý I/2022 do đội tàu của PVP tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt, đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính tăng và công ty đã tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí quản lý. Tổng chi phí trong quý I/2023 giảm 10% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2023, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, bằng 84,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, bằng 74% so với cùng kỳ và nộp ngân sách Nhà nước 52,4 tỷ đồng. Hiện, PVP giao dịch quanh mức 14.400 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Tôn Đông Á cũng đã bất ngờ gửi công văn đến HoSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hồi tháng 4 năm nay. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Sơn Đông Á, Lập Phương Thành đã rút hồ sơ niêm yết để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Trong khi, HoSE cũng thông báo dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn do doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ và giải trình theo yêu cầu.
Năm 2022, HoSE đã tổ chức 9 đợt đấu giá, trong đó có 1 đợt cổ phần hóa, 3 đợt thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và 5 đợt chào bán theo giấy phép của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo HoSE, thị trường chứng khoán năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề trong và ngoài nước đã tác động đến hoạt động đấu giá.
6 tháng đầu năm 2023, dù tình hình thị trường đã ổn định hơn nhưng hoạt động đấu giá vẫn rất thấp. Trên HoSE chỉ có duy nhất một thương vụ đấu giá thành công cổ phần tại PGBank do Petrolimex nắm giữ với giá trị gần 2.600 tỷ đồng.