Chuyên mục


Ủy ban Kinh tế thống nhất với Chính phủ kéo dài áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

24/05/2022 16:21 (GMT +7)

Tại kỳ họp thứ 3 sáng 24/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 của Chính phủ.

 Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày cho biết qua gần 5 năm triển khai, các mục tiêu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được.

Thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách trong công tác xử lý nợ xấu

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ; thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, các TCTD đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trong số 380.200 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, có 148.000 tỷ đồng là do khách hàng tự trả (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017 do khách hàng tự trả/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD và VAMC đạt 77.200 tỷ đồng, chiếm 20,3%.

Tính trung bình, nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 – 2017).

Duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42 là rất cần thiết

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga-Ukraine, dịch COVID - 19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo về thực hiện nghị quyết 42

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo về thực hiện nghị quyết 42

Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, vì vậy nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới. Đến 31/12/2021, trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (6,31%). Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412.700 tỷ đồng. Xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch COVID-19 tác động đến tình hình tài chính của khách hàng.

Đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc này sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu; không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.

Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Căn cứ chỉ đạo của UBTVQH tại Thông báo số 882/TB-TTKQH ngày 16/4/2022 về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 19/2022/UBTVQH ngày 18/4/2022 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật các TCTD và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, Ủy ban Kinh tế  của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Ủy ban Kinh tế cho rằng trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, không được kéo dài có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu. Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng;...

Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ TCTD, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới. 

Theo Chính Phủ
Lên kế hoạch triển khai Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chủ trì cuộc họp với Ủy viên UBND Thành phố, đại diện các sở, ngành góp ý cho dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.

SeABank và Tập đoàn BRG chung tay phủ xanh gần 20ha rừng tại Lào Cai
Tiếp nối chuỗi hoạt động đồng hành cùng các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) và Tập đoàn BRG chung tay cùng Báo Nhân dân trồng 68.000 cây, trị giá 1 tỷ đồng nhằm phủ xanh gần 20ha diện tích rừng và phục hồi sinh kế cho người dân tỉnh Lào Cai.

Bỏ 5 Thông tư lĩnh vực tài chính ngân hàng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2024/TT-BTC bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

SeABank dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất
Trong khuôn khổ Lễ trao giải “Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024” (VLCA 2024) nhằm tôn vinh các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tự hào được xếp hạng đầu tiên trong Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất.

SeABank nâng cao năng lực Ban kiểm soát để tăng cường khả năng giám sát và phát triển bền vững cho Ngân hàng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu bổ sung 02 thành viên Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023 – 2028, nâng tổng số thành viên BKS lên 05 thành viên.

Ngân hàng đầu tiên phê duyệt khoản vay mua xe ô tô trên nền tảng đối tác
Không cần đến showroom ô tô hay chi nhánh ngân hàng, sau khi chọn được mẫu xe mong muốn, khách hàng có thể tự đăng ký vay mua xe ngay trên website của Carmudi và nhận kết quả phê duyệt của VPBank qua email ngay sau 5 phút.

Chuẩn bị xây cao tốc Nam Định - Thái Bình
Chủ tịch tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt dự án xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).