TT.Huế: Cơ hội rộng mở cho học sinh không đậu lớp 10 công lập
Sau những ngày buồn bã vì kết quả Kỳ thi vào lớp 10 công lập không được như ý, các học sinh 2k9 phấn chấn hơn với những cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo mô hình 9+.
Đa dạng ngành nghề để học sinh lựa chọn
Hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có các trường Cao đẳng, Trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên đang tuyển sinh đào tạo hệ 9+. Lướt qua các trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện nay có khoảng hơn 25 ngành nghề đa dạng thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, Dệt may, Chế biến món ăn, Kỹ thuật ô tô, Cơ khí, Nghệ thuật… Các ngành nghề đưa ra được dựa trên dự báo thông tin nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận trong thời gian sắp tới, phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay. Với sự đa dạng của thế giới nghề nghiệp, phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một ngành nghề và một sơ sở giáo dục nghề nghiệp để tiếp tục con đường học tập.
Cơ hội để có văn bằng “kép”
Mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa (gọi tắt là mô hình 9+) đã được triển khai tại Thừa Thiên Huế nhiều năm nay, dành cho đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THCS. Trong quá trình học tập, các em học sinh được học chương trình Trung cấp song song với chương trình văn hóa THPT (hệ Giáo dục thường xuyên). Sau khi hoàn thành chương trình học, các em sẽ được dự thi tốt nghiệp THPT và hoàn toàn có thể học lên bậc học cao hơn.
ThS Trần Hữu Châu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Bộ Công Thương cho biết: “Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn có quan niệm con em mình phải tốt nghiệp THPT. Nhưng đây không phải là con đường duy nhất để đến với thành công. Thực tế, những học sinh có năng lực hạn chế hoặc các điều kiện khác, các em có thể lựa chọn học nghề. Ở trường chúng tôi trong quá trình theo học, các em được miễn hoàn toàn học phí học Trung cấp, vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Ra trường các em không chỉ được giới thiệu việc làm ở trong nước mà còn có cơ hội được ra nước ngoài làm việc”.
Việc phân luồng học sinh là cần thiết để đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp trong xã hội. Chính vì thế, việc học sinh không đậu tuyển sinh 10 không phải là kết thúc quá trình học của mình. Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn. Với rất nhiều chính sách ưu đãi cho học nghề, có rất nhiều ngành nghề đang cần những người thợ giỏi thì việc học nghề là một xu thế tất yếu hiện nay.
Hiện nay, nhận thức của xã hội với đào tạo nghề đã tăng lên, nhiều phụ huynh quan tâm, định hướng cho con em mình học các ngành nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu thực tế của gia đình. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua để việc học văn hóa kết hợp với học nghề phát huy hiệu quả thì vai trò của việc giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường rất quan trọng, trong đó cần có áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến có sự tham gia giữa nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
“Học sinh đã nhận thức rất rõ chỉ trong 3 năm học các em có hai bằng (tốt nghiệp THPT và Trung cấp) và có cơ hội liên thông lên Cao đẳng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của bố mẹ, hơn nữa học sinh được chủ động theo đuổi nghề yêu thích, lý thuyết đến đâu, thực hành đến đó nên các em ra trường bắt nhị công việc rất nhanh”, Ths Trần Hữu Châu Giang - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho hay.
Ông cha ta có câu: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, hàm ý tầm quan trọng của việc học nghề, có nghề và làm nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị, giúp thanh niên có định hướng để lập thân, lập nghiệp, kiến tạo tương lai.