Đa dạng hoá chức năng cho bến xe
GS.TS. Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, các bến xe quá lớn rộng, đẹp và khang trang, nên cần phải chuyển đổi mục đích, đa dạng hóa chức năng. Còn với xe hợp đồng, cần có một khái niệm, định danh mới.
Trong những năm gần đây, hoạt động vận tải đường bộ ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, với số lượng và chất lượng phương tiện kinh doanh vận tải ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, vấn đề quản lý và vận hành các bến xe vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện.
"Hiện nay, các bến xe quá lớn rộng, đẹp và khang trang, chúng ta cần phải chuyển đổi mục đích, đa dạng hóa chức năng. Lý do là vì xe tuyến cố định hiện nay bị quy định phải xuất phát và kết thúc tại bến, trong khi các bến xe thường ở xa trung tâm. Điều này gây bất tiện cho hành khách, khiến họ tốn thêm thời gian và chi phí để di chuyển đến bến", đó là một phương án được GS.TS Từ Sỹ Sùa đưa ra tại toạ đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông tổ chức mới đây.
So sánh với các thành phố lớn trên thế giới, nơi người dân chỉ cần đi bộ 300-400m để ra bến xe, và chủ yếu sử dụng tàu điện ngầm nhanh chóng, tiện lợi, thì tại Việt Nam việc di chuyển của người dân từ nhà ra tới bến xe còn mất nhiều thời gian. Vì vậy, Việc chuyển đổi mục đích sử dụng và đa dạng hóa chức năng của các bến xe hiện có sẽ giúp tối ưu hóa không gian và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông.
Liên quan trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các bến xe gần đây, không thể không nhắc đến loại hình kinh doanh xe hợp đồng. Theo các chuyên gia, xe hợp đồng hiện chiếm tới gần 70% tổng số xe khách, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về khái niệm và quy định hoạt động của loại xe này, dẫn đến tình trạng một số xe bị gọi là "xe trá hình tuyến cố định" hay "xe hợp đồng trá hình".
Đối với xe hợp đồng, GS.TS Sùa đề xuất cần có một khái niệm và định danh mới phù hợp hơn. Ông nhấn mạnh rằng không nên cấm loại hình này chỉ vì khó quản lý, mà cần định danh cụ thể khi thấy nó phù hợp với lợi ích của khách hàng. Về vấn đề an toàn giao thông, ông đề xuất nghiên cứu hạn chế về mặt không gian để tránh tình trạng "bến cóc" mọc lên khắp nơi.
"Lộ trình trước mắt cần nghiên cứu hạn chế về mặt không gian. Xác định được các vị trí có thể thành lập “bến xe ảo” với thời gian dừng, đỗ khoảng 3 - 5 phút ở khu vực nội thành, ngoại thành để loại hình vận tải khách theo hợp đồng hoạt động. Tuyến đường nào không cấm dừng đón trả khách thì đều có thể hoạt động. Phương tiện xe hợp đồng cũng cần hạn chế từ 16 chỗ trở xuống, điểm đón, trả khách đảm bảo khoảng cách đi bộ từ 500m trở xuống chứ không phải vài cây số. Thời gian hoạt động có thể hạn chế trong khung giờ cao điểm để đảm bảo an toàn", GS Sùa nhấn mạnh.
Ngoài ra, không nên đưa tất cả xe hợp đồng vào bến như tuyến cố định, vì như vậy sẽ làm mất đi tính hấp dẫn và khó bảo đảm chất lượng phục vụ của loại hình này. Để loại hình xe hợp đồng phát triển bền vững, phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: lợi ích của hành khách (vừa đảm bảo an toàn, tiện nghi, hợp lý); lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích nhà nước (không thất thu thuế, quản lý hiệu quả).
Trong tương lai, loại hình xe hợp đồng muốn phát triển bền vững, phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: lợi ích của hành khách (vừa đảm bảo an toàn, tiện nghi, hợp lý); lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích nhà nước (không thất thu thuế, quản lý hiệu quả).
Về việc hình thành các điểm đón, GS.TS Sùa đánh giá cao ý kiến của một số doanh nghiệp về việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cho điểm đón trả khách để doanh nghiệp phục vụ cho chính họ hay các đơn vị liên kết. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông phải là công cộng để đảm bảo tính liên kết, tiện lợi chứ không thể là của riêng một doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Ban Pháp chế - VCCI cho biết "Các quy định hiện nay chưa phù hợp, có những cản trở hoạt động của xe hợp đồng. Nếu quản lý giống xe tuyến cố định thì sẽ không còn là bản chất của xe hợp đồng".
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc đưa xe hợp đồng vào bến cố định không thể miễn cưỡng, bởi bến xe càng xa hành khách càng khó tiếp cận. Do đó, theo ông Bằng, ngoài các bến xe đã quy hoạch, nên quy định thêm các vị trí đón trả khách như bến tạm và thông tin cụ thể các bến này lên website để khách tiếp cận, làm sao phục vụ tốt nhất cho nhân dân.