Trạm BOT đòi tài xế đền 200 triệu?
Liên quan đến đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội có nội dung về việc một ô tô va vào thanh chắn ở trạm thu phí Xa lộ Hà Nội bị bắt đền 200 triệu đồng, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội đã lên tiếng trả lời về vấn đề này.
Cụ thể, ngày 26/6, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh cự cãi ở trạm BOT với nội dung một người đàn ông được cho là nhân viên túc trực tại trạm BOT yêu cầu tài xế ôtô công nghệ đụng thanh chắn phải bồi thường 200 triệu đồng vì đã làm hư hại thanh chắn.
Trong khi đó, người lái xe ô tô cho rằng thanh chắn tự động đã mở lên nên anh mới cho xe di chuyển qua. Nam tài xế khẳng định tài khoản ETC vẫn có tiền, cho rằng lỗi này là lỗi của trạm BOT. Lúc này, nhân viên trạm BOT hỏi: "Lịch sử giao dịch anh đã trừ tiền chưa, lỗi anh thiếu quan sát". Rồi hai bên đôi co hơn gần 7 phút....
Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Minh Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ hạ tầng CII (đơn vị đang tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội), cho biết: “Sự việc xảy ra vào chiều ngày 23/6, xe ô tô mang BKS 95E-002.81 chạy nối đuôi sau xe container, khi qua nửa chừng thanh chắn bật xuống trúng trần xe. Qua kiểm tra, phát hiện xe ô tô trên lỗi chạy nối đuôi xe khác và lỗi thứ 2 là trên xe gắn 2 thẻ ePass ứng với 2 biển số khác nhau cho nên hệ thống chỉ đọc 1 thẻ mà thẻ đó lại không đủ tiền. Do đó, khi xe đi qua thì thanh chắn đã bật xuống đè lên trần xe”.
Giải thích về những phát ngôn của nhân viên trạm BOT trong clip, ông Trí cho biết "Tuy nhiên, trước đó, anh em trạm BOT trong lúc thiếu kiềm chế nên đã phát ngôn chưa đúng. Thông thường, xử lý sự cố thì các anh em sẽ xem hư hại gì, lỗi chỗ nào để lập biên bản, không có quyền xử phạt".
Khi xảy ra sự cố thì nhân viên cho dừng xe lại. Sau khi kiểm tra, thấy hệ thống không có vấn đề nên cho xe đi bình thường và tài xế cũng nhận lỗi do gắn hai thẻ và không đủ tiền. Đồng thời, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội cũng khẳng định, phía công ty không có chủ trương phát ngôn yêu cầu bồi thường và cũng không có quy trình xử lý như vậy.