TP. HCM sắp khởi công ba dự án 'khủng'
Ba dự án hơn 10.000 tỷ đồng, kết nối những điểm giao thông quan trọng được kỳ vọng sẽ giảm bớt vấn đề ách tắc nghiêm trọng hiện nay trong thành phố
TP. HCM sẽ khởi công ba dự án 10.073 tỷ đồng trong quý III năm nay gồm xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nối với nhà ga T3 (quận Tân Bình); xây dựng nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức).
Dự án đầu tiên, Quốc lộ 50 (đoạn qua huyện Bình Chánh) từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến giáp ranh tỉnh Long An được mở rộng lên 34 m, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 nhằm tăng cường năng lực khai thác tuyến đường trục liên kết TP. HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây; tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai của thành phố.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,92 km, 6 làn xe gồm hai đoạn chính. Đoạn 1 dài khoảng 4,36 km từ đường Nguyễn Văn Linh đến điểm giao với quốc lộ 50 hiện hữu sẽ được xây dựng mới như tuyến đường song hành. Đoạn còn lại sẽ được mở rộng trên hiện trạng quốc lộ 50, không bao gồm đoạn thuộc phạm vi dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án đồng thời xây dựng mới cầu Ông Thìn (vượt qua sông Cần Giuộc) và mở rộng cầu hiện hữu đảm bảo chiều rộng cầu từ 25 m đến 26,5 m, đáp ứng 6 làn xe và lề bộ hành hai bên.
Thứ hai là Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, đường nối dài 4 km có tổng vốn 4.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 1.500 tỷ đồng và hơn 2.400 tỷ để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn lại là kinh phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng...
Dự án khi hoàn thành không chỉ giúp kết nối vào nhà ga T3 mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hệ thống tại khu vực quận Tân Bình.
Điểm đầu tuyến giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; điểm cuối tuyến giao đường C12 – Cộng Hòa – Trường Chinh. Vận tốc thiết kế là 50 km/h. Quy mô mặt cắt ngang tuyến chính đáp ứng 6 làn xe; rộng từ 25 - 48 m.
Đồng thời, xây hai hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42 m, hai làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35 m, hai làn xe). Dự án còn làm một cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài gần một km cho 4 làn xe.
Cuối cùng là Nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.773 tỷ đồng; từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Nút giao có ba tầng gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm); hầm chui kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Mặt đất xây dựng tiểu đảo trung tâm và tháp biểu tượng theo phương án thiết kế kiến trúc được thông qua. Trên cao xây hai cầu vượt, trong đó một cầu chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường cao tốc; một cầu rẽ phải từ đường cao tốc vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội).
Đây là một trong những dự án kỳ vọng giảm ùn tắc cho điểm đầu cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái nhiều năm qua.
Được biết, trước 30/4, thành phố sẽ hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 (nối TP. Thủ Đức và quận 1) và nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân), đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1).
Ngoài ra, TP. HCM đang tập trung đẩy nhanh các giải pháp để phát triển giao thông công cộng sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, đưa vào loại hình vận tải công cộng mới như xe buýt điện, xe đạp công cộng và khởi công dự án phát triển giao thông xanh TP. HCM trong năm.