Chuyên mục


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

07/04/2022 10:55 (GMT +7)

Tổng Bí thư nhận định, Quảng Ninh là một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.

 Ngày 6/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đoàn công tác còn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trí Dũng)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Trí Dũng)

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm vụ năm 2021, quý I/2022, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận, chỉ thị, quy chế, quy định của Trung ương, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng 15 đề án, chương trình trọng điểm; riêng trong năm 2021 và quý I/2022 đã ban hành 6 nghị quyết, 18 chỉ thị, 10 chương trình, 122 kế hoạch, 16 kết luận và trên 460 thông báo.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được Quảng Ninh đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Đảng bộ nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới. 

Hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền đã có nhiều tiến bộ, trở thành tỉnh thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới như mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.

Trong hơn hai năm vừa, trong điều kiện khó khăn, thách thức chưa từng có, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo, Quảng Ninh đã kiên cường giữ vững địa bàn "An toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới" thực hiện tốt "mục tiêu kép" với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021).

Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng chủ động chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn và đạt được những kết quả tích cực bước đầu, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhanh chóng ngành du lịch.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong năm 2021, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội.

Trong điều kiện tổng lượng khách du lịch giảm 49% cùng kỳ; song tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh (GRDP) năm 2021 vẫn đạt 10,28% vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 32,19% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2021 đạt 52.467 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ.

 Quý I/2022, tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh ước đạt 8,01%, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.470 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế năm 2021 của Quảng Ninh đạt 238.186 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD. Đô thị hóa đến hết năm 2021 đạt trên 67,5% (nằm trong 5 địa phương cao nhất cả nước). 

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 9/13 địa phương cấp huyện, 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu). Hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều bền vững đến hết năm 2021 chỉ còn 0,1% (so với năm 2010 là 7,65%; năm 2016 là 3,39%).

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình chiến lược, dự án động lực như: Cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, Trường Trung học Phổ thông Hòn Gai, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...

Những năm qua, Quảng Ninh đã giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; hợp tác quốc tế chặt chẽ trong phòng, chống dịch tại khu vực cửa khẩu, bảo đảm xuất nhập khẩu thông suốt; xử lý kịp thời, thỏa đáng ngay ở cấp địa phương các vấn đề nảy sinh trên biên giới; tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, duy trì khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Quảng Ninh đã trở thành tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các ban, ngành địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, hoan nghênh và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây. 

Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía bắc.

Nhấn mạnh năm 2022 và những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình hình dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý "Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Niên

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Niên

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh.

 
Thực tế cho thấy, mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn mới lại nảy sinh, nhiều khi phức tạp hơn; khó giải quyết hơn; nếu chủ quan, tự mãn, say sưa với thắng lợi, không thấy hết những khó khăn ở phía trước, thì rất dễ bị vấp váp, bị tụt hậu, thậm chí đi đến sai lầm"

Tổng Bí thư nhấn mạnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ "then chốt", bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Bám sát những tư tưởng chỉ đạo, tinh thần mới trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, hư hỏng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

"Tôi hoan nghênh Quảng Ninh vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phải chống các biểu hiện dân túy, dân chủ hình thức, mỵ dân", Tổng Bí thư căn dặn.

Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo, người có thu nhập thấp; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.

"Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn với chiến lược, chương trình hành động cụ thể. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với lộ trình chuyển đổi nhiều vùng từ khai thác than sang phát triển du lịch-dịch vụ. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải đổi mới công tác giáo dục từ tư duy, nếp nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân. Với đặc thù và tự hào công nhân vùng mỏ đã hình thành trăm năm, thì nay tại các khu công nghiệp, dịch vụ mới rất sôi động của Quảng Ninh đã và đang hình thành đội ngũ công nhân mới rất đông đảo. Đảng bộ, chính quyền cần chăm lo xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thực sự là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển của Quảng Ninh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Các đô thị ở Quảng Ninh đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó vẫn còn khu vực nông thôn rộng lớn, đồng bào các dân tộc thiểu số, cư dân hải đảo,... vì vậy trong chiến lược phát triển của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Quảng Ninh cần hết sức chú trọng xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong trong đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía bắc; khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược mới hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hành lang phát triển mới; chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu, đặc biệt chăm lo xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo; nắm và dự báo đúng tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả mọi tình huống; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.

Nguồn Chính phủ
“Sống đến bình minh” - Những lát cắt ký ức của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Điều chỉnh Báo cáo khả thi Dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 30/4/2024 về điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp giải ngân vốn trong năm 2024.

Ngăn chặn 'xe dù, bến cóc' dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường xảy ra hiện tượng nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải hoạt động.

Đề xuất nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại Hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân", ngày 11/4.

Nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 152/TB-VPCP ngày 09/4/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.