Tổ liên gia an toàn PCCC - Mô hình chữa cháy trong hẻm phát huy hiệu quả
Một vụ cháy tại địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa được người dân và Công an phường Xuân La nhanh chóng dập tắt, cứu được nhiều mạng người nhờ mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", “Điểm chữa cháy công cộng”.
Cách đây không lâu, hồi 23h00 ngày 17/7/2023, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) nhận được tin báo cháy nhà dân tại hẻm 21, ngách 47, ngõ 77 Xuân La. Ngay lập tức, Công an quận Tây Hồ điều 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường.
Tuy nhiên, do vị trí xảy ra cháy ở trong ngõ sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Công an quận phối hợp công an phường Xuân La và người dân sử dụng bình chữa cháy tại các điểm chữa cháy công cộng gần đó để dập tắt đám cháy. Đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Trưởng công an phường Xuân La - Trương Đình Bình cho biết, mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng" đã giúp người dân hiểu hơn về công tác phòng ngừa cháy nổ. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người, mỗi gia đình để bố trí kinh phí, nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng, chống cháy nổ. Đảo đảm phòng, chống cháy nổ từ sớm, từ xa, hạn chế thiệt hại.
Theo đó, với mục tiêu 100% hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% ngõ, hẻm tập trung đông dân cư, có chiều dài 50m trở lên, mà xe chữa cháy không tiếp cận được, phải bố trí “Điểm chữa cháy công cộng”; vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn phường trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy. Sau khi ra mắt, mô hình đi vào hoạt động và được duy trì thường xuyên, định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình.
Lấy ví dụ hiệu quả mô hình Tổ liên qua an toàn PCCC ngay trong hẻm ngày 17/7 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Quang - Công an khu vực Xuân La cho biết: "Sau hơn 15 phút tích cực của tổ chữa cháy, đám cháy đã được dập tắt. Để ngăn cháy lan nhanh, 5 hộ dân trong tổ liên gia đã ôm bình chữa cháy được trang bị sẵn và các bình chữa cháy tại các điểm chữa cháy công cộng gần đó xử lý đám cháy ngay từ ban đầu, hạn chế bùng phát, lan rộng".
Phấn khởi và yên tâm hơn khi quận có phương án xử lý cháy mới, bà Nguyễn Thị Viên Hạnh - Tổ phó tổ dân phố số 4 phường Xuân La cũng khẳng định, hiệu quả tổ liên gia an toàn phòng cháy hoạt động rất thiết thực, khi ấn chuông báo cháy các gia đình có mặt ngay để cùng xử lý đám cháy. Bà Hạnh hy vọng mô hình này được phát huy và nhân rộng đến từng khu phố để người dân được an toàn.
Gần đây hàng loạt vụ cháy xảy ra xảy ra thương tâm. Việc chữa cháy kịp thời gặp khó khăn khi xe PCCC không hoạt động được trong ngõ sâu, hẻm nhỏ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 819/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội...
Một trong những điểm đáng chú ý trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là: Thí điểm thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện. Quyết định nêu rõ, xây dựng trụ sở, công trình của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, cơ sở, dân phòng và tình nguyện. Cụ thể, xây dựng, bố trí trụ sở làm việc cho các đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; bảo đảm điều kiện hoạt động cho các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc và bảo đảm các điều kiện hoạt động cho lực lượng dân phòng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động ở địa phương. Nghiên cứu thí điểm thành lập và bố trí địa điểm hoạt động cho Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện tại các khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, cụm gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ...
Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình; hệ thống thông tin liên lạc) cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 89.332 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, nguồn vốn địa phương hỗ trợ; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đóng góp tự nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy và chữa cháy tại các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương được xác định trong quá trình lập, phê duyệt các dự án cụ thể của các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.