Xe KIA bốc cháy khi đang đỗ dừng
Trung tá Trương Đình Bình cùng các cán bộ công an phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa phối hợp với bảo vệ, lực lượng PCCC cơ sở xử lý kịp thời ngăn đám cháy không lan sang các phương tiện lân cận.
Gần trưa ngày 11/7, xe ô tô hãng KIA biển kiểm soát 29A - 646 đang đỗ tại trước cửa toà nhà Tân Hoàng Minh bất ngờ bốc cháy, nguyên nhân xác định là do chập điện. Rất may, lực lượng công an phường Xuân La đang thực hiện nhiệm vụ gần khu vực xảy ra cháy ngay lập tức đến hiện trường, trực tiếp phun nước dập tắt đám cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Cách đây không lâu, ngày 18/5, trên quốc lộ 32 (thuộc địa phận xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) xảy ra vụ cháy chiếc ô tô 7 chỗ. Vào thời điểm trên, chiếc xe ô tô BKS 30A-317.xx do anh Nguyễn Văn T. điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 32 thì thấy khói bốc lên. Lúc này, tài xế T. vội dừng xe, mở nắp capo phát hiện trong khoang máy bốc cháy dữ dội.
Nguyên nhân ban đầu có thể do nắng nóng nên xe bốc cháy. Nhận được tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Đội CSGT - trật tự, Công an huyện đã tiến hành đến hiện trường để chữa cháy. Tuy nhiên, sau ít phút, chiếc xe này chỉ còn trơ lại khung sắt.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra hiện tượng xe ô tô bốc cháy khi vừa mới khởi động, có xe bốc cháy khi đang chuyển động trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, để ở nơi công cộng... Hiện tượng cháy ô tô, xe máy xảy ra rất đa dạng, phức tạp, trong số các xe bị cháy có cả xe cũ, xe mới.
Theo đó, Công an quận Tây Hồ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác để có thể phát hiện kịp thời lúc đám cháy vừa phát, đó là khi chúng ta cảm nhận được mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô, đây rất có thể là những biểu hiện ban đầu của sự cháy.
Khi xảy ra cháy, nếu trong xe còn người và cửa bị kẹt, cần tìm cách đập vỡ cửa kính để nhanh chóng cứu người ra khỏi xe, nếu bị thương, nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện sớm nhất.
Nếu đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, hãy sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy. Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, hãy cẩn thận mở nắp capô (nên dùng vật cứng nhọn để cậy hoặc đập thủng nắp capô nếu được) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hay phun vào nơi cháy to nhất, hoặc dùng các tấm phủ (chăn, mền tẩm nước nếu có) bao phủ lên ngọn lửa cũng như có thể sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước…
Tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo đang dính xăng dầu. Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người. Nếu không thể dập được ngọn lửa, hãy tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Nhanh chóng hô hào sơ tán mọi người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Người dùng xe không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như thiết bị bảo vệ, còi, đèn… hoặc nếu lắp thêm phải bảo đảm an toàn, không bị quá tải về điện. Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa nên thực hiện ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường (khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét).
Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ; chủ các phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.