Thép xây dựng 'phá đỉnh'
Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.
Các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh tăng giá thép xây dựng thêm từ 250 - 810 đồng/kg so với 4 ngày trước đó. Cụ thể, thép Hòa Phát điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/kg đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 đã lên mức 18.330 đồng/kg, giá thép thanh vằn CB300 ở mức 18.430 đồng/kg. Tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18.380 đồng/kg và 18.480 đồng/kg.
Thép Thái Nguyên cũng tăng thêm 810 đồng/kg đối với cả hai dòng sản phẩm của công ty. Đây là doanh nghiệp có mức tăng giá thép mạnh nhất. Cụ thể, thép cuộn CB240 có giá mới là 18.930 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.080 đồng/kg.
Thép Việt Ý, với dòng thép cuộn CB240 tăng thêm 600 đồng chạm mức 18.280 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 600 đồng hiện có giá 18.380 đồng/kg.
Với thép Việt Đức tại miền Bắc, thép cuộn CB240 tăng 560 đồng, hiện ở mức 18.270 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 550 đồng/kg, hiện có giá 18.570 đồng/kg. Tại miền Trung, Việt Đức cũng tăng thêm 560 đồng/kg đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện, mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 18.370 đồng/kg và 18.680 đồng/kg.
Tương tự, thép Kyoei cũng điều chỉnh tăng thêm 250 đồng/kg đối với thép cuộn CB24 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện, mức giá của hai sản phẩm này ở mức 18.270 đồng/kg và 18.470 đồng/kg.
Thép Việt Sing, với dòng thép cuộn CB240 tăng 510 đồng/kg, lên mức 18.220 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 510 đồng/kg, hiện có giá 18.420 đồng/kg.
Thép Việt Nhật, hai sản phẩm đều tăng thêm 610 đồng/kg. Dòng thép cuộn CB240 đạt mức 18.320 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá bán 18.420 đồng/kg.
Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 tăng 600 đồng, lên mức 18.870 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610 đồng, hiện có giá 19.080 đồng/kg.
Giá thép liên tục tăng chủ yếu do giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, thép phế) trên thị trường thế giới tăng vọt. Giá thép tăng vì lo ngại nguồn cung bị đứt gãy do chiến sự tại Ukraine. Các quốc gia nhập khẩu từ Nga, Ukraine đang tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Nga chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thép của thế giới, còn Ukraine chiếm khoảng 4%.
Hiện, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.
Bên cạnh đó, một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng đã khiến giá thành sản xuất tại các công ty tăng theo.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm nay, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng. Ngoài ra, hoạt động xây dựng dân dụng có khả năng phục hồi vào năm nay, thúc đẩy nhu cầu thép.
Các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xây dựng và tạo ra mức nền thấp vào năm 2021 và năm 2022, với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, các hoạt động xây dựng có thể ít phải đối mặt với thách thức hơn năm 2021.