Thép xây dựng tăng giá
Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Hòa Phát ở mức 17,73 triệu đồng/lượng, tăng 410.000 đồng/tấn so với ngày 5/3.
Tập đoàn Hòa Phát (chiếm 32,6% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong năm 2021) thông báo thay đổi giá sản phẩm từ ngày 6/3. Tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 ở mức 17,73 triệu đồng/lượng, tăng 410.000 đồng/tấn so với ngày 5/3. Tính từ đầu tháng 3, giá mặt hàng này tăng hơn 4%. Loại D10 CB300 là cũng tăng 410.000 đồng/tấn lên 17,83 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, giá thép cuộn CB240, D10 CB300 tăng 410.000 đồng/tấn, 460.000 đồng/tấn so với ngày 5/3 lên 17,78 triệu đồng/tấn, 17,88 triệu đồng/tấn.
Được biết, với Việt Đức ở khu vực miền Bắc, CB240 và D10 CB300 lần lượt là 17,71 triệu đồng/tấn và 18,02 triệu đồng/tấn, tăng 400.000-410.000 đồng/tấn.
Thương hiệu thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 cũng tăng lên 410.000 đồng/tấn, lên lần lượt là 17,68 triệu đồng/tấn, 17,78 triệu đồng/tấn.
Đối với thép Kyoei, cũng điều chỉnh tăng 710.000 đồng/tấn với cả CB240 và D10 CB300 lên 18,02 triệu đồng/tấn và 18,22 triệu đồng/tấn.
Theo các chuyên gia, giá thép trong nước cũng ảnh hưởng lớn bởi thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc. Giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 7/3 ở mức 802 USD/tấn, nhích lên 1,7% so với phiên cuối tuần trước, mức cao nhất từ tháng 10 năm ngoái.
Giá thép tăng vì lo ngại nguồn cung bị đứt gãy do chiến sự tại Ukraine. Các quốc gia nhập khẩu từ Nga, Ukraine đang tìm nguồn thay thế từ Trung Quốc. Nga chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thép của thế giới, còn Ukraine chiếm khoảng 4%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, năm nay, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng. Ngoài ra, hoạt động xây dựng dân dụng có khả năng phục hồi vào năm nay, thúc đẩy nhu cầu thép.
Các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xây dựng và tạo ra mức nền thấp vào năm 2021 và năm 2022, với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, các hoạt động xây dựng có thể ít phải đối mặt với thách thức hơn năm 2021.