Techcombank thận trọng với kế hoạch 2023
Năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với thực hiện năm 2022.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 22/4/2023. Năm nay, Techcombank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 22.000 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với thực hiện năm 2022. Dư nợ tín dụng đến cuối năm dự kiến đạt 511.297 tỷ đồng; tăng trưởng 15% hoặc cao hơn tuỳ theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%.
Với lợi nhuận sau thuế năm 2022 gần 17.907 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa sử dụng của Techcombank tính đến ngày 1/1/2023 đạt hơn 58.000 tỷ đồng. Các tác động của kinh tế toàn cầu và trong nước đã tác động đáng kể tới hoạt động kinh doanh của Techcombank.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Theo ngân hàng, việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng.
Về cổ tức, như thường lệ, năm nay, Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau trích lập các quỹ mà không chia cổ tức cho cổ đông.
Tại đại hội, các cổ đông đặt câu hỏi về các khoản đầu tư trái phiếu của Techcombank hiện ra sao và quản trị rủi ro của ngân hàng đối với tín dụng bất động sản.
Trả lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank cho biết, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của ngân hàng cao song phần lớn tập trung ở đối tượng khách hàng cá nhân vay mua nhà. Còn đối với chủ đầu tư, Techcombank tập trung vào những khách hàng tốt, những khách hàng mà ngân hàng hiểu rõ.
Các dự án mà Techcobank cho vay đều có pháp lý đầy đủ và đang triển khai trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, những dự án này vẫn bán được hàng và có dòng tiền. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện nay thấp, mấy ngày nữa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 và mọi người sẽ thấy.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, chủ tịch ngân hàng này khẳng định, trái phiếu do Techcombank quản lý, đơn vị phát hành đều có tiềm lực tài chính tốt, khả năng trả nợ ổn. Mặc dù lượng trái phiếu Techcombank tư vấn phát hành rất lớn, song chưa có bất kỳ trái phiếu nào quá hạn trả lãi và gốc.
Theo Tổng Giám đốc Jens Lottner, Techcombank là ngân hàng có hoạt động mạnh ở mảng trái phiếu doanh nghiệp do đó không tránh khỏi những tác động của thị trường khi trái phiếu sụt giảm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, Techcombank là ngân hàng có thị phần đối với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động, khách hàng giàu có, vốn dĩ có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì họ có cảm giác an toàn hơn.
Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước. Bởi vậy, dòng tiền ở Techcombank thực ra là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn.
Tại đại hội, ban lãnh đạo Techcombank cũng thông qua ý kiến cổ đông về một số tờ trình khác và kế hoạch góp thêm gần 10.000 tỷ vào TCBS.