Tăng chuyến phà ra đảo Cát Bà
Sở Giao thông vận tải Hải Phòng vừa triển khai Kế hoạch 37/KH-SGTVT về tổ chức vận tải nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm TTATGT trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng huy động tối đa phương tiện hiện có, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải; hạn chế tai nạn giao thông; ngăn chặn các hành vi vi phạm điều kiện kinh doanh, đầu cơ tăng giá, ép giá, tăng giá cước tùy tiện.
Về vận tải hành khách theo tuyến cố định, Sở GTVT bố trí 640 xe (xe của Hải Phòng là 440 xe, xe đối lưu là 200 xe) với tần suất vận chuyển gần 490 chuyến/ngày. Các xe bố trí tại các bến: Vĩnh Niệm, Vĩnh Bảo, An Lão, Tiên Lãng, Đồ Sơn, Cát Bà, Kiến Thụy, Thượng Lý và Bến xe phía Bắc Hải Phòng. Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có 3 doanh nghiệp với 98 xe buýt hoạt động trên 10 tuyến; vận tải hành khách bằng xe taxi có 43 doanh nghiệp với 2.466 xe.
Về các tuyến phương tiện tàu thủy, có 5 đơn vị doanh nghiệp vận tải với 10 tàu, hoạt động trên 3 tuyến gồm: Bến Gót - Bến Cái Viềng; Bến Gót - Bến Phù Long; Cảng Tuần Châu - Bến Gia Luận. Dự kiến, 3 tuyến có thể đón 5.000 hành khách/ngày bình thường, ngày cao điểm có thể huy động các tàu quay vòng nhanh, tăng chuyến không hạn chế nhằm giải tỏa hết hành khách.
Về phương án bố trí chạy phà, Công ty CP Đường bộ Hải Phòng, Công ty CP Đảm bảo Giao thông đường thủy Hải Phòng bố trí phà để đón khách ra đảo Cát Bà, huyện Cát Hải. Ngày cao điểm, 2 doanh nghiệp có thể huy động phà quay vòng nhanh, tăng chuyến không hạn chế nhằm giải tỏa hết hành khách, đón tối đa khoảng 13.500 hành khách/ngày.
N gành GTVT Hải Phòng có thể tăng tối đa công suất chạy phà nhưng dự báo nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại bến phà Đồng Bài vẫn sẽ rất cao nên hành khách vẫn xem xét không sử dụng phương tiện ô tô cá nhân ra đảo trong dịp này.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác bến xe, bến tàu phải niêm yết thông báo công khai giá vé, biểu đồ chạy xe, chạy tàu đối với từng luồng tuyến cùng với bản cam kết đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải của từng đơn vị vận tải. Các đơn vị vận tải hành khách đường bộ bố trí, huy động tối đa phương tiện vận tải trên các tuyến vận tải khách cố định đường bộ, tổ chức quay vòng nhanh để đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của hành khách; nghiêm cấm việc bỏ chuyến, chở quá tải hành khách dưới mọi hình thức, tăng giá vé tùy tiện để bắt chẹt hành khách.Các phương tiện vận tải hành khách bằng xe taxi dừng đỗ đúng nơi quy định, thực hiện niêm yết đầy đủ các nội dung theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ, thu đúng giá cước theo đồng hồ tính tiền...
Đối với đơn vị vận tải hành khách đường thủy nội địa, huy động tối đa năng lực phương tiện vận tải để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu đi lại cho hành khách. Đảm bảo và duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu, phà, có phương án đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường, trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa theo quy định và thực hiện đúng tần suất chạy tàu đã đăng ký với cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, làm chủ tốc độ trong mọi tình huống, giảm tốc độ chạy tàu khi vào các vùng nước cảng biển, tại nơi luồng giao nhau hay khu vực tập trung mật độ phương tiện lớn; không chở quá tải trọng cho phép, đồng thời phải thực hiện việc lập danh sách hành khách, phát hành vé hành khách, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và chấp hành nghiêm sự kiểm tra giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Sở GTVT cũng huy động tối đa lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý việc vi phạm lòng đường, lề đường và hành lang an toàn giao thông, chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng… Phối hợp với các lực lượng Cảnh sát tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến đường, tuyến sông trọng điểm, các đầu mối giao thông như: nhà ga, bến tàu, bến xe, bến thủy nội địa, các điểm dừng đón trả khách trên đường.