Sự trở lại bất đắc dĩ của trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 khi Nghị định 153 (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực chính thức. Ở góc nhìn thực tế, doanh nghiệp không còn lựa chọn vốn nào dễ hơn khi thời điểm đáo hạn trái phiếu cũ đã tới.
Thị trường trái phiếu sắp sôi động trở lại
Theo FiinRatings, mặc dù sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối năm 2021, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định 153 (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính.
Các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, việc phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vẫn sẽ khó khăn hơn.
Nhu cầu vốn trung và dài hạn hiện nay là rất lớn, không chỉ của các doanh nghiệp bất động sản mà nhiều ngành kinh tế khác nhau trong khi hệ thống tín dụng ngân hàng khó có thể hấp thụ hết do hạn chế về quy mô vốn và các dàng buộc khác nhau về an toàn vốn.
Riêng ngành năng lượng, ước tính nhu cầu vốn để thực hiện việc lắp đặt hệ thống nguồn điện và lưới điện trong giai đoạn 2021 – 2030 có thể lên đến 2.908 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 tỷ USD), dựa trên tính toán từ Dự thảo Quy hoạch điện VIII.
Nếu giả định cơ cấu vốn trung bình của dự án là 70% nợ vay thì tổng nguồn vốn tín dụng cần 2.013 nghìn tỷ đồng (tương đương 90 tỷ USD). Với quy mô nhu cầu vốn cho riêng một ngành như vậy và do các quy định về quản trị rủi ro tín dụng theo nhóm ngành được áp dụng bởi mỗi tổ chức tín dụng; hệ thống ngân hàng thương mại sẽ khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn tín dụng này.
Sau thời kỳ phát triển nóng, đến quý III/2022, nhiều DN đến hạn đáo hạn trái phiếu. Trong đó, DN bất động sản (BĐS) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 52 % tổng trị giá trái phiếu riêng lẻ đáo hạn tương đương 33.624 tỷ đồng (tăng 252% so với cùng kỳ năm 2021). Đáng chú ý, DN đáo hạn TPDN đã phát hành lượng trái phiếu trị giá gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.
Là một trong những DN BĐS có trị giá TPDN đáo hạn cao nhất quý 3/2022, Cty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas có trị giá TPDN đáo hạn lên tới 7.200 tỷ đồng.
Trước đó, DN này từng phát hành thành công 5.000 tỷ đồng TPDN, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản trong tháng 7/2021. Thời hạn phát hành 1 năm 1 ngày với lãi suất cố định 8%/năm. Tổng khối lượng phát hành TPDN của công ty gấp 47 lần vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng).
DN có số lượng đáo hạn TPDN lớn tiếp theo là Cty CP Bông Sen (Bông Sen Corp) với trị giá 4.800 tỷ đồng. Số TPDN này được phát hành ngày 24/8/2021, kỳ hạn 12 tháng. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất cố định ở mức 11%/năm. Một trong những DN phải trả tiền đáo hạn lớn tiếp theo là Cty CP Osaka Garden với 7.700 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của DN chỉ có 270 tỷ đồng.
Ngoài BĐS, DN có trị giá TPDN đáo hạn lớn tiếp theo là hàng loạt doanh nghiệp tài chính, ngân hàng. Cụ thể như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (trị giá đáo hạn 2.000 tỷ đồng). Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, trị giá trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.000 tỷ đồng. Trái phiếu BĐS đáo hạn chiếm đến 43,2%. Năm 2023 và năm 2024, trị giá trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt 271.000 và 329.500 tỷ đồng.
“Khối lượng TPDN BĐS và tổ chức tín dụng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024. Trường hợp DN gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ an toàn hơn
Theo báo cáo chuyên đề về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của FiinRatings, công ty này cho rằng các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang tác động đến cả cầu và cung của trái phiếu doanh nghiệp.
Theo FiinRatings, chính sách quan trọng và đang được thị trường chờ đợi là Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 hiện vẫn trong quá trình thẩm định trước khi được Chính phủ thông qua. Theo đó, Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực vào ngày 15/1/2022 nhằm kiểm soát rủi ro TPDN đối với các tổ chức tín dụng đã làm cho cầu về trái phiếu giảm nhưng tác động không quá lớn.
“Số dư trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) tại các ngân hàng niêm yết vẫn tăng ở mức 9,2%, tương đương 23.600 tỷ trong 6 tháng năm 2022. Dư nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết thì vẫn tăng 25,1% trong nửa đầu năm 2022”, FiinRatings cho biết.
Các số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng và diễn ra chọn lọc hơn ở một số ngân hàng và tùy theo hồ sơ tín dụng chủ đầu tư của từng dự án. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản là cơ bản ổn định nhưng năng lực tín dụng lại đang trên đà suy yếu do suy giảm doanh số và triển khai dự án chậm.
Chính sách có thể ảnh hưởng đến cầu trái phiếu doanh nghiệp quan trọng thứ hai là Dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Văn bản dự thảo này có thêm những quy định về việc tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Nếu đi vào áp dụng chính thức, các quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn nhận hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đây là nguồn vốn lớn cho các doanh nghiệp bất động sản khi nó chiếm tới 51% tổng cơ cấu nguồn vốn nợ (bao gồm cả tín dụng ngân hàng, trái phiếu, tiền nhận trước từ khách mua nhà).
Chính sách quan trọng và đang được thị trường chờ đợi là Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 hiện vẫn trong quá trình thẩm định trước khi được Chính phủ thông qua. Dự thảo mới nhất đã có những thay đổi tích cực hơn cho thị trường và nhất là các yêu cầu về mục đích sử dụng vốn.