Sáng kiến để xe hợp đồng được định danh
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn và sâu sắc về thực trạng hoạt động của loại hình xe hợp đồng, cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn giao thông.
Xe hợp đồng an toàn với hành khách
Loại hình xe hợp đồng cùng các loại hình xe khác đều là kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó doanh nghiệp có bộ phận theo dõi giao thông. Theo đó, xe hợp đồng là loại hình kinh doanh văn minh, lịch sự. Quan điểm cho rằng xe hợp đồng gây mất an toàn giao thông là chưa chính xác, vì nếu dịch vụ không tốt, không an toàn thì hành khách sẽ không lựa chọn. Đó là chia sẻ của doanh nghiệp vận tải hành khách tạo dựng được thương hiệu ở nhiều thành phố lớn tại buổi toạ đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông vừa tổ chức mới đây.
"Để đáp ứng việc phát triển của doanh nghiệp vận tải, vấn đề sống còn luôn đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp nào để mất an toàn giao thông sẽ phải chịu những hậu quả rất lớn. Do đó, ngoài những quy định bắt buộc, doanh nghiệp gần như vẫn luôn chủ động đầu tư để đảm bảo tối đa an toàn giao thông, cụ thể như đầu tư trong tuyển dụng, tuyển chọn lái xe tốt nhất để đảm bảo vận hành tốt, nâng cấp chất lượng vận tải. Ngoài việc tuân theo các quy định, chúng tôi phải có thêm những ứng dụng lái xe, ghi âm các hành vi ứng xử của lái xe với hành khách. Cho tới nay, chúng tôi không để xảy ra vụ TNGT nào gây chết người với hành khách trên xe", Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng khẳng định.
Tóm lại, nhu cầu đi lại của người dân đã thay đổi nên các doanh nghiệp vận tải buộc phải thay đổi. Với các doanh nghiệp vận tải hợp đồng, nhất là doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn đang làm tốt vấn đề theo dõi ATGT, làm tốt vai trò quản lý của doanh nghiệp với lái xe và phương tiện giao thông.
Đánh giá về vai trò với người hành khách, ông Hải cho rằng, loại hình vận tải xe hợp đồng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách khi mô hình bến xe, xe khách tuyến cố định dần trở nên không phù hợp, cách quá xa trung tâm, thiếu điểm đón trả khách khu vực nội đô; thậm chí, hành khách đi ngoại tỉnh cũng rất khó tìm thông tin lộ trình ở các bến xe.
Trong khi đó, xe hợp đồng có thể dễ dàng và nhanh chóng kết nối với hành khách thông qua các ứng dụng công nghệ. Việc đặt xe, lựa chọn điểm đón trả linh hoạt, thuận tiện chỉ với vài thao tác trên điện thoại. Đặc biệt, với loại hình này, hành khách không phải đối mặt với tình trạng chèo kéo, tăng giá cước vào các dịp cao điểm.
Đơn cử như tuyến Hải Phòng - Hà Nội trước đây từng xảy ra nhiều bức xúc do cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, tình hình đã được cải thiện đáng kể nhờ sự phát triển của xe hợp đồng, vốn linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Một loại hình vận tải tốt như thế, theo doanh nghiệp không nên tìm phương án để trói buộc lại như phải đưa vào bến để quản lý. Và trên thực tế, hiện tại cũng chưa có thống kê nào đánh giá các bến xe có khả năng đáp ứng khi đưa xe hợp đồng vào bến hay không. Thay vào đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải.
Xe hợp đồng không chỉ giải được bài toán về dịch vụ văn minh, cạnh tranh khách không lành mạnh và còn góp phần giảm ách tắc giao thông. Ông Lê Ngọc Nam - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam cũng đưa ra những phân tích thực tiễn về mối liên hệ giữa xe hợp đồng và vấn đề ùn tắc giao thông: "Xe hợp đồng cũng như những loại phương tiện khác khi tham gia giao thông đều có thể là tác nhân gây ra tình trạng ùn tắc. Nhưng nếu nói xe hợp đồng là nguyên nhân chính thì chưa đúng. Tính đến 2023, tổng số xe hợp đồng trên cả nước là 225.264 xe, nhưng chỉ riêng năm 2023, số lượng ô tô đăng ký mới là 408.542 xe, xe máy là 2.447.977 xe. Nhìn nhận một cách khách quan, xe hợp đồng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số phương tiện tham gia giao thông trên đường."
Để doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước
Liên quan đến câu chuyện định danh xe hợp đồng, ông Hải cũng chia sẻ rằng, "chúng tôi đang thực hiện rất tốt về nghĩa vụ đóng thuế. Bên cạnh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, kỳ vọng cơ quan thuế cũng cần có cơ chế quản lý phù hợp với loại hình kinh doanh này, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bởi, thành quả về an toàn giao thông không chỉ là kết quả của riêng doanh nghiệp mà còn là sự đóng góp từ công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước".
Ông Hải chỉ ra rằng hiện nay, cần có một định danh và cái tên phù hợp cho loại hình xe hợp đồng, đồng thời cũng cần làm rõ số lượng xe trá hình trong tổng số xe hợp đồng đang lưu hành. Như vậy, với sự thay đổi của nhu cầu đi lại, các doanh nghiệp vận tải buộc phải chuyển mình để đáp ứng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: "Loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng là một trong 5 loại hình thuộc Luật Giao thông đường bộ cũng được cấp phù hiệu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, phải có bộ phận ATGT. Quá trình xây dựng các văn bản, quy định, quan điểm của Cục Đường bộ VN đều hướng tới tăng cường quản lý chứ không cấm, luôn khuyến khích xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đám cưới… phải phát triển và kinh doanh đúng quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho ngừoi dân".
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS. TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, cần hài hòa lợi ích hành khách, doanh nghiệp và Nhà nước. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hành khách có tiêu chí, yêu cầu để lựa chọn dịch vụ. Trong khi với xe tuyến cố định lại có quy định rõ phải xuất phát từ bến đến bến. Các bến quá xa khiến hành khách mất thời gian, tiền bạc đi lại. Thời gian đi xe buýt từ nhà ra bến có khi bằng thời gian tới Hải Phòng.
Ở các thành phố trên thế giới như Manchester, người dân chỉ cần đi bộ 300-400m ra bến xe. Họ chủ yếu đi làm bằng tàu điện ngầm nhanh chóng, kịp thời. Do đó, nếu xét về mặt ngữ nghĩa, có thể thấy việc kinh doanh hợp đồng và xe cố định không lành mạnh. Hiện nay, các bến xe quá lớn rộng, đẹp và khang trang, chúng ta cần phải chuyển đổi mục đích, đa dạng hóa chức năng.
"Còn với xe hợp đồng, chúng ta nên có thêm khái niệm mới. Hiện tại, trên thế giới không có loại hình này nên chúng tôi không thể nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới. Song, chúng ta không nên nghĩ - không quản được là cấm mà phải định danh cụ thể khi thấy nó phù hợp với lợi ích của khách hàng. Khách hàng là thượng đế, là đối tượng thông minh nhất. phải đảm bảo hài hòa lợi ích của hành khách (vừa đảm bảo an toàn, tiện nghi, hợp lý); lợi ích của doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích nhà nước (không thất thu thuế, không thể quản lý)", GS.TS khẳng định.