Quảng Bình dốc sức cho cao tốc Bắc - Nam
Quảng Bình đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khẩn trương giải phóng mặt bằng, đồng thời rà soát công tác khảo sát, chuẩn bị các mỏ vật liệu đảm bảo nguồn cung phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ. Dự án có chiều dài khoảng hơn 126 km, khởi công trong năm 2022, hoàn thành năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Tăng tốc giải phóng mặt bằng
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp xoay quanh việc bàn phương án giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn. Tại thời điểm hiện tại, trên toàn tuyến đi qua địa bàn Quảng Bình đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) với chiều dài gần 69 km/ hơn 126 km (đạt 54,5%). Trong đó, huyện Quảng Trạch bàn giao 6,6km, Bố Trạch 22,70km, Quảng Ninh 5,3km, Lệ Thủy 24,45km, thị xã Ba Đồn 6,65km, thành phố Đồng Hới 3,21km.
Các Ban Quản lý dự án đã bàn giao 126,34/126,34km chiều dài mốc, tim, tuyến. Các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang đẩy nhanh việc thực hiện trích đo hiện trường các đoạn đã bàn giao GPMB. Theo đó, huyện Bố Trạch đã hoàn thành trích đo 10,5km, huyện Quảng Ninh 3,82km, huyện Quảng Trạch 4,3km và huyện Lệ Thuỷ 10km.
Nhằm đảm bảo mục tiêu theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành khẩn trương tổ chức xây dựng, ban hành hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác GPMB để các cấp triển khai; tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch trong phạm vi hướng tuyến; giao các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị các công tác phục vụ cho việc tái định cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật…
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu “Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến việc triển khai dự án; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa việc triển khai dự án một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tránh việc người dân cơi nới, xây dựng công trình trái phép trong khu vực triển khai dự án; xác định vị trí khu vực xây dựng khu tái định cư để sớm triển khai xây dựng, phục vụ công tác GPMB; bố trí kinh phí hợp lý cho công tác bồi thường GPMB. UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương lập biểu đồ thời gian hoàn thành các bước triển khai công tác bồi thường, GPMB, hoàn thành trước ngày 30/5; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc nảy sinh trong công tác GPMB”.
UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị các Ban Quản lý Dự án của Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bàn giao mốc giải phóng mặt bằng các đoạn còn lại cho địa phương; cung cấp hồ sơ dự án theo mốc thời gian đã thống nhất để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo đúng tiến độ.
Đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ Dự án
Để chủ động nguồn nguyên vật liệu thi công Dự án, tránh tình trạng khan hiếm vật liệu, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để cấp phép khai thác khoáng sản, nâng công suất khai thác theo cơ chế đặc thù.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện. Về quy hoạch, hiện trạng nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), Quảng Bình có 159 khu vực mỏ VLXD (đá, cát, sỏi, đất san lấp) với tổng diện tích hơn 1.835 ha, tài nguyên dự báo trên 854 triệu m3.
Ngoài 103 mỏ được UBND tỉnh cấp phép đang có hiệu lực, 30 mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt, Quảng Bình còn có 22 mỏ đất san lấp chưa được phê duyệt quy hoạch nhưng có thể khảo sát đưa vào sử dụng cho dự án với trữ lượng hơn 27,3 triệu m3.
Theo kết quả rà soát nguồn nguyên vật liệu cần sử dụng cho Dự án của đơn vị tư vấn và đối chiếu với quy hoạch, hiện trạng mỏ VLXD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, thì các mỏ hiện tại bảo đảm chất lượng và đủ để phục vụ cho việc triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố có Dự án đi qua cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và đơn vị tư vấn trong việc xác định vị trí cần san lấp và vị trí tập kết đất dư, đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận của các địa phương. Đồng thời, xác định vị trí cần san lấp và vị trí tập kết đất đào dôi dư phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của các địa phương, phù hợp với biện pháp thi công dự kiến của công trình; có phương án quản lý khối lượng đất dư trong các bãi thải để có thể sử dụng vào các mục đích khác, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên; đảm bảo thoát lũ.