Phòng, chống ma túy là trọng tâm hành động quốc gia của hai nước Việt - Lào
Sáng ngày 3/6, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào đã tổ chức Hội nghị song phương sơ kết 6 tháng thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Trung tướng Thongleck Mangnomeck - Thứ trưởng Bộ Công an Lào đồng chủ trì; Đại biểu đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam và Lào tham dự hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, hiện nay, tệ nạn và tội phạm ma túy là vấn nạn chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đó, những năm qua, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép ma túy liên quan giữa Việt Nam và Lào ngày càng diễn biến phức tạp. Sau nạn dịch Covid-19, hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy có liên quan đến hai nước đang có xu hướng gia tăng; đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng và manh động hơn; tội phạm ma túy có sự liên quan với tội phạm hình sự, kinh tế, buôn lậu, chúng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Có thể thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của hai nước ngày càng cam go và quyết liệt, đòi hỏi các cơ quan chức năng mỗi nước phải phối hợp chặt chẽ, tổ chức nắm tình hình, xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp trước mắt cũng như lâu dài nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này.
Ma túy sử dụng chủ yếu tại Lào vẫn là ma túy tổng hợp gốc amphetamine (ATS), sau đó là heroin, thuốc phiện, cần sa, đồng thời là điểm trung chuyển một lượng lớn tiền chất đến khu vực “Tam giác vàng” để sản xuất trái phép các chất ma túy. Tuyến biên giới Bắc Lào được xác định là tuyến trọng điểm về nguồn cung ma túy vào địa bàn Lào, tuyến phía Nam (tiếp giáp với Việt Nam và Campuchia) được coi như “cửa ra” của các loại ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào sang nước thứ ba. Nhiều tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn được thiết lập có sự cấu kết của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu người Lào, Trung Quốc với các đối tượng người Việt Nam) “cắt rừng” vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Tội phạm ma túy trên tuyến này hoạt động hết sức manh động, liều lĩnh, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Sau 6 tháng triển khai thực hiện Bản ghi nhớ, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan phát hiện, đấu tranh thành công 112 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ, bắt giữ 140 đối tượng, thu giữ 83,6 kg heroin, 109 kg ma túy tổng hợp. Trong đó, xác định có 26 tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ; Phối hợp bắt giữ 16 đối tượng truy nã về ma túy của Việt Nam đang lẩn trốn tại Lào.
Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam đã khắc phục khó khăn, gian khổ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, cử các Tổ công tác sang xây dựng và hoàn thành hỗ trợ Bộ Công an Lào xây dựng 179 trụ sở làm việc của Công an các bản giáp biên giới Việt Nam.
Việc hoàn thành xây dựng trụ sở, bàn giao cho phía Lào để sử dụng đã giải quyết hiệu quả việc cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, chiến sĩ Công an Lào; có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều sâu; phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phối hợp của Công an các tỉnh trong việc đảm bảo ANTT khu vực biên giới nói chung, công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng trên tuyến biên giới của hai nước Việt Nam - Lào.
Tại Hội nghị, hai Đoàn đại biểu và các lực lượng chức năng hai nước tập trung cùng nhau trao đổi, đánh giá về kết quả đã đạt được, đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong quá trình hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa hai nước; thảo luận, thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống ma túy giữa hai nước trong thời gian tới.
Bộ Công an hai nước xác định công tác phối hợp phòng, chống ma túy là trọng tâm hành động quốc gia.