Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ "xử đẹp" loại hình sân khấu khó bằng cảm xúc đặc biệt
Trong suốt chặng đường dài bén duyên với nghệ thuật, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã luôn dành những vở nhạc kịch để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt với nét duyên dáng, giàu nội tâm, kiên cường...
Vở nhạc kịch thuần Việt "Viên đá ngũ sắc" được Tổng đạo diễn, NSƯT Cao Ngọc Ánh lấy cảm hứng từ hành trình Thiện Nhân và đã lấy nhiều giọt nước mắt hạnh phúc của khán giả trong đêm công diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ vào tối ngày 9 và 10/11.
Vở nhạc kịch không chỉ là động lực mà còn là một đóa hoa tinh khôi, đánh thức những tâm hồn, làm dịu dàng những trái tim, và truyền đi thông điệp về sự đồng cảm và sẻ chia.
NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành tên tuổi rất quen thuộc với người yêu nhạc kịch Việt Nam. Năm 2022, chị thực hiện vở nhạc kịch “Sóng” lấy cảm hứng từ cuộc đời thực nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và đã để lại dấu ấn khó quên với khán giả. Vở diễn khắc họa hình ảnh, khát vọng cuộc đời của người phụ nữ. Năm 2023, một lần nữa cảm xúc mạnh mẽ từ cuộc đời thực của “Mẹ Còi” Mai Anh thôi thúc chị xây dựng vở nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc”.
Trong cuộc trò chuyện cùng PV Banduong.vn, NSƯT Cao Ngọc Ánh tiết lộ những tâm sự chưa kể về vở nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc” và góc nhìn của một nghệ sĩ về tấm lòng vĩ đại của người phụ nữ - "Cẹ Còi" Mai Anh trong hành trình Thiện Nhân.
PV: Năm 2022 chị đã dàn dựng vở nhạc kịch “Sóng” với nguyên mẫu là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, vì sao năm nay chị lại tiếp tục chọn nguyên mẫu là một người phụ nữ để xây dựng vở nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc”?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Với nghệ sĩ chúng tôi nhất là những nhà sáng tạo, những gì tác động mạnh mẽ đến mình thì phải được giải phóng thành những tác phẩm, ví nhà thơ khi họ có cảm xúc, họ sẽ viết ra bài thơ, họa sĩ sẽ là những tác phẩm hội họa. Riêng tôi, tôi có cảm xúc mạnh mẽ về người phụ nữ nhỏ bé, Mẹ Còi Mai Anh.
Ông Greig Craft (Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á) cũng nói về Mai Anh, “cô ấy xuất hiện ở cuộc đời này như 1 thiên thần”.
Mai Anh san sẻ cả gia đình của mình cho đứa con không phải mình sinh ra, để Thiện Nhân từ một đứa trẻ bị bỏ rơi có một gia đình ấm áp. Đây là điều vĩ đại trong con người chị. Cách đây không lâu tôi có đọc một bài báo có tiêu đề “Con được sinh ra từ trái tim thơm tho của mẹ”, một lời giải thích rất phụ nữ, rất ấm áp và tràn ngập tình yêu dành cho Thiện Nhân gây xúc động lớn với tôi.
Rồi nhờ cơ duyên cuộc đời, tôi và Mai Anh lại trở thành bạn của nhau thông qua người bạn chung là nhà thơ Khánh Dương. Khi thân thiết với Mai Anh, tôi có điều kiện hỏi và nghe nhiều hơn về hành trình mà Mẹ Còi và Thiện Nhân đã đi. Hành trình này khiến tôi cảm phục.
Năm 2022 tôi đã dàn dựng vở nhạc kịch “Sóng” cảm hứng từ nhà thơ Xuân Quỳnh, một thi sĩ tôi rất yêu mến. Và câu chuyện Thiện Nhân lại là một chất liệu, đề tài, nguồn cảm hứng rất lớn, tại sao lại không đưa lên sân khấu? Tôi quyết định sẽ viết kịch bản và dàn dựng vở kịch “Viên đá ngũ sắc” lấy cảm hứng từ chính hành trình Mai Anh và Thiện Nhân đi. Tuy nhiên, cũng giống như vở diễn “Sóng”, việc đưa “người thật việc thật” lên sân khấu rất khó khăn, thách thức, bởi một hành trình nhiều cảm xúc, một chặng đường dài rất khó gói gọn lại chỉ với 70-80 phút trên sân khấu.
PV: Chị đã giải quyết và xử lý những thách thức đó như thế nào?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Một người nghệ sĩ sẽ có rất nhiều góc nhìn. Với câu chuyện của Mẹ Còi và Thiện Nhân cũng như vậy, tôi không đi vào chi tiết câu chuyện mổ như thế nào, tôi lựa chọn cách đưa lên sân khấu những cảm xúc mạnh mẽ của mình mà 13 năm qua Mai Anh và quỹ Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F) mang lại cho tôi. Đó là cảm xúc về tinh thần vượt khó của Mẹ Còi, là tấm lòng của các bác sĩ, là sự tự tin của Thiện Nhân. Nhờ có sự che chở và dạy dỗ của Mai Anh, Thiện Nhân lớn lên tràn đầy sự tự tin trong cuộc đời.
PV: Chị đã chuẩn bị như thế nào cho vở nhạc kịch này?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Bắt đầu từ đầu năm 2023, tôi cùng ekip trao đổi với Mai Anh và Na Hương. Chúng tôi có những cuộc gặp gỡ để nói chuyện, để hiểu sâu hơn. Sau khi có rất nhiều dữ liệu, tôi bàn rất kỹ với Mai Anh, Mai Anh muốn tác phẩm này nó được nhìn ở góc độ nào? Tôi và Mai Anh đều mong muốn vở kịch truyền tải đến khán giả sự tươi mát và kết quả ngọt ngào của sự vượt qua mọi khó khăn.
Khi xây dựng kịch bản, tôi viết lời thoại và lấy chất liệu từ chính câu chuyện Mai Anh đăng trên mạng xã hội, ví dụ như câu chuyện: “Mẹ còi ế, ế trong ngọt ngào khi các chàng trai đã trưởng thành…”, hay mẹ của Sơn “bô xanh”, cảm ơn chị Mai Anh đã giúp Sơn được phẫu thuật bởi những bác sĩ giỏi hàng đầu thế giới, “tái sinh” cho Sơn. Tôi cố gắng tận dụng dữ liệu đang có để xây dựng vở diễn chân thực nhất.
PV: Trong vở nhạc kịch, đâu là những phân cảnh mà chị tâm đắc nhất?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Vở kịch là đứa con tinh thần của tôi, vì thế mỗi phân đoạn tôi đều rất trau chuốt để tất cả cộng hưởng trở thành tổng hòa.
PV: Chị mong đợi điều gì sau vở kịch này?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Năm 2022, Mai Anh và tôi mang chương trình nhỏ vào biểu diễn sau ca mổ ở Đà Nẵng. Chúng tôi tổ chức ngay tại khách sạn một chương trình ngắn khoảng 30 phút. Trong 30 phút đó các bác sĩ rất vui, họ cảm thấy được xả stress, thư giãn. Qua việc này tôi thấy, cũng có cách cảm ơn bác sĩ bằng văn hóa. Tôi và Mai Anh mong muốn vở nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc” như món quà dành cho Quỹ Thiện Nhân và những người bạn.
Tôi cũng kỳ vọng vở diễn này sẽ để lại dấu ấn với khán giản về hình ảnh và khát vọng của Mẹ Còi trong hành trình chữa lành cho hàng nghìn “Thiện Nhân”. Tôi mong vở kịch sẽ lan tỏa những điều thiện để chúng ta luôn tin rằng điều tử tế luôn sẽ mãi hiện hữu trên cuộc đời này. Hình ảnh viên đá ngũ sắc cũng là một biểu tượng của niềm tin: "Nếu ước mơ của chúng ta đủ lớn thì điều ước sẽ trở thành sự thật."
PV: Vừa là một người bạn, vừa là một đạo diễn, trong vở diễn có phân đoạn nào chị “dành riêng” cho người bạn Mai Anh của mình?
NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Màn kết vở kịch tôi và ekip dành cho cá nhân Mai Anh, với chất liệu xuất phát từ chính đời sống thực của trong gia đình Mai Anh, đó là câu chuyện các con đều giục mẹ phải lấy chồng với bài hát “Bao giờ mẹ lấy chồng”! Bài hát dễ thương như một lời nhắn nhủ đến người bạn của tôi về mong ước của các con về hạnh phúc riêng của mẹ.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Những hình ảnh các diễn viên, và ekip của nhà hát Tuổi trẻ ghi lại sau buổi công diễn:
Nhà hát Tuổi trẻ được thành lập ngày 10/4/1978 theo quyết định số 20B/VH-QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát nghệ thuật quốc gia duy nhất tại Việt Nam có chức năng và nhiệm vụ sử dụng các loại hình nghệ thuật đa dạng gồm kịch nói, ca-múa-nhạc, nghệ thuật thể nghiệm phục vụ khán giả trẻ là thanh niên-thiếu niên-nhi đồng, đồng thời mở rộng ra đối tượng khán giả khác trong nước và nước ngoài.