Phát sinh nhiều chi phí nếu đổi tên trung tâm đào tạo lái xe
Trung tâm đào tạo lái xe ô tô ngoài đất đai, nhà xưởng, bãi tập còn phải trang bị một số lượng lớn phương tiện xe ô tô để đáp ứng cho học viên tập lái và hầu hết các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu đã được thế chấp ngân hàng.
Ngày 15/12/2022, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc đổi tên các Trung tâm đào tạo lái xe thành các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, thời gian qua, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được phản ánh từ Chi hội Đào tạo - Sát hạch lái xe và các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên toàn quốc kiến nghị về vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện việc đổi tên gọi các Trung tâm đào tào lái xe ô tô thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, theo yêu cầu tại Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT, ngày 31/12/2021 về việc “Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp” của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có Công văn số 50/CV-HHVT, ngày 29/7/2022 gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với nội dung: Đề nghị cho giữ nguyên tên gọi hiện hành của các Trung tâm đào tạo lái xe, nhưng cho đến nay Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có văn bản trả lời. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy, việc thay đổi tên gọi của các Trung tâm đào tạo lái xe hiện tại thành các “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp...” sẽ không làm thay đổi tiêu chuẩn, năng lực của cơ sở đào tạo, không nâng cao được chất lượng đào tạo. Nhưng việc đổi tên như vậy sẽ phát sinh rất nhiều chi phí đối với các cơ sở đào tạo, vì đi liền với đó phải đổi các giấy tờ, chứng nhận sở hữu các tài sản như nhà, đất, phương tiện ô tô dạy lái xe...
Nghiên cứu Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13: Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, ngày 14/10/2016 của Chính phủ; Thông tư số 42/2015/TT- BLĐTBXH, ngày 20/10/2015 và Thông tư số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, ngày 19/10/2015 của liên bộ LĐTB&XH và Bộ Nội vụ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận thấy các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên không có điều khoản nào quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo mô hình là Trung tâm đào tạo nghề (trong đó có các Trung tâm đào tạo lái xe ô tô) phải đổi tên thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp...”.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã được hơn 7 năm, việc đặt tên các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực đào tạo lái xe cũng đã tuân thủ các quy định và được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là Sở LĐTB&XH cấp Giấy phép hoạt động sau khi đã có đầy đủ các điều kiện theo quy định; trong quá trình quản lý cũng không thấy có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi là “Trung tâm đào tạo lái xe...” đang được sử dụng phổ biến hiện nay.
Mặt khác, lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô có đặc thù riêng, ngoài đất đai, nhà xưởng, bãi tập còn phải trang bị một số lượng lớn phương tiện xe ô tô để đáp ứng cho học viên tập lái; trên thực tế hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đều phải huy động vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nên hầu hết các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu của các tài sản nêu trên đã được thế chấp ở ngân hàng. Do đó, việc rút các hồ sơ chứng nhận sở hữu tài sản đang thế chấp tại các ngân hàng là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp là bất khả thi, nếu đổi tên cơ sở đào tạo mà không chuyển sở hữu các tài sản nói trên thì lại vi phạm các quy định. Sau khi chuyển sở hữu xong lại phải sơn kẻ lại tên cơ sở đào tạo trên các cánh cửa, thành xe...vv, sẽ phát sinh nhiều chi phí.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu và xem xét giải quyết theo hướng cho phép giữ nguyên tên gọi cũ hiện hành là các Trung tâm đào tạo lái xe (hoặc Trung tâm dạy nghề lái xe...vv) thay vì yêu cầu phải đổi thành các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe.