Chuyên mục


Phạt nặng doanh nghiệp vi phạm chất lượng xăng

11/08/2023 12:07 (GMT +7)

Một doanh nghiệp tư nhân cung cấp xăng dầu trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hơn 300 triệu đồng do vi phạm về chất lượng xăng RON95-III.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Lực lượng chức năng kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại doanh nghiệp Nhật Tuấn.

Lực lượng chức năng kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại doanh nghiệp Nhật Tuấn.

Trước đó vào ngày 12/7, Đội Quản lý Thị trường số 11 (Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng PC03 Công an thành phố Hà Nội và Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tuấn tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng tiến hành lấy 1 mẫu xăng RON 95-III tại cửa hàng để kiểm nghiệm chất lượng. Lượng tồn xăng lúc này tại cửa hàng là 5.957 lít.

Kết quả thử nghiệm mẫu xăng RON 95-III của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đối với mẫu xăng trên cho thấy trị số Octan của mẫu xăng RON 95-III (xăng không chì mức 3) là không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, lượng hàng hóa vi phạm có trị giá trên 133 triệu đồng.

Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Nhật Tuấn với số tiền phạt: 333.148.725 đồng về hành vi hành chính là “Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng".

Đây là mức xử phạt nghiêm minh, với số tiền khá lớn, nhằm tuyên truyền và răn đe với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang cố tình vi phạm, xâm phạm đến quyền lợi khách hàng.

Trước đó, tại tỉnh Bình Dương, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã xử phạt Công ty cổ phần Sao Mai Sài Gòn với số tiền gần 885 triệu đồng, sau khi bị đội quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương phát hiện đơn vị này bán xăng kém chất lượng. 

Việc liên tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu thời gian gần đây đến từ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu hiện có diễn biến phức tạp, trong đó có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng việc nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số thời điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố để kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, do đó để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có Công văn số 548/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và nội dung trong Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu hoặc vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, theo đó phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn (Công an, Sở Khoa học công nghệ) thực hiện kiểm tra, lấy mẫu xăng dầu để thử nghiệm, giám định về chất lượng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình nguồn cung bị đứt gãy cục bộ để sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc cam kết trong kinh doanh xăng dầu; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng về các nguy hiểm trong tiêu thụ, sử dụng xăng dầu giả, kém chất lượng.

Nguyên Ý
Baemin rục rịch 'rút chân' khỏi Việt Nam
Baemin Việt Nam, một liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers, đã bắt đầu thu nhỏ quy mô hoạt động tại thị trường Việt Nam và tiến hành cắt giảm nhân sự, thông tin này được công bố bởi Tech in Asia.

Khách bay hàng không tăng khoảng 20%
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 44,1 triệu khách, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hành khách quốc tế tăng 300,2%, đạt 11,5 triệu khách, còn khách nội địa giảm 3,6%, đạt 32,6 triệu khách.

Chuyện của Người làm vận tải khách du lịch
Hải Phòng được xác định là điểm đến quan trọng, là động lực đặc biệt để phát triển du lịch vùng Duyên hải. Người Đất Cảng đều mang trong mình tình yêu, kỳ vọng và góp sức để đưa thành phố chinh phục mục tiêu ấy. Với doanh nghiệp vận tải hành khách thì khát vọng đó thể hiện ở một góc rất riêng biệt...

Gemadept hưởng lợi nếu tăng giá bốc dỡ container?
Kết thúc quý II/2023, Gemadpt (GMD) báo lãi ròng hơn 1.646 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có mức lãi ròng cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

VinFast: Doanh thu quý II đạt 334,1 triệu USD
Số lượng xe ô tô điện VinFast đã bàn giao trong quý II/2023 là 9.535 xe, tăng khoảng 436% so với quý I. Số lượng xe máy điện đã bàn giao trong quý II/2023 là 10.182, tăng 4%.

Giá xăng, dầu tăng mạnh
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 21/9, với mức tăng mạnh cho tất cả mặt hàng mặc dù quỹ bình ổn đã được chi sử dụng.

Cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định chậm tiến độ
Thực tế phạm vi mặt bằng có thể thi công mới được hơn 97 km, đạt gần 83%. Nguyên nhân chậm mặt bằng do chưa hoàn thành xây dựng các khu tái định cư và công tác bồi thường, thu hồi đất của các doanh nghiệp.