Chuyên mục


Phá thế ì ạch trong "Kết nối giao thông vành đai liên vùng"

05/05/2022 06:43 (GMT +7)

Hiện nay Quốc hội đã trao một số cơ chế đặc thù với địa phương, đó là sự chủ động thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp để thực hiện nguyên tắc tại chỗ. Nhưng sự ì ạch vẫn hiện hữu...

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá" vừa được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/4 nhằm làm rõ hơn một số vấn đề của các dự án vành đai thời gian qua. Tại đây các chuyên gia đánh giá và gỡ rối về những khó khăn, vướng mắc vấn đề vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng,...

Xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đề ra trong một loạt đại hội và được khẳng định trở lại tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Có cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thì không chỉ cuộc sống của người dân được cải thiện mà nền kinh tế cũng phát triển đột phá. Sự phát triển vượt bậc của Quảng Ninh, Hải Phòng, mới đây nhất là Thái Nguyên, cho thấy định hướng chiến lược đó của Đảng, Nhà nước ta là hết sức đúng đắn.

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy vậy trong 20 năm qua, tính tổng cả nước mới chỉ xây dựng được 1.000 km đường cao tốc. Mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng được 2.000 km đường cao tốc. Đây là định hướng chiến lược mà Chính phủ mới và người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triển khai rất quyết liệt. Thủ tướng cũng như Chính phủ đã có những hành động, không chỉ trong quy hoạch hay tầm nhìn chiến lược mà trực tiếp lăn lộn để triển khai việc này.

Trong số các công trình được thúc đẩy thời gian qua, có 2 công trình có ý nghĩa quan trọng. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là các công trình cơ sở hạ tầng và cũng là cao tốc đô thị, kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất nên vị trí hết sức quan trọng. 

Có thể tìm nguồn vốn mới như trái phiếu

Vành đai 3 TPHCM

Vành đai 3 TPHCM

Lấy ví dụ với vành đai 3 TPHCM, Vụ Phó Vụ Đầu tư Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho biết Nghị quyết 29 của Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có tổng vốn là 2,870 triệu tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 1,500 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1,340 triệu tỷ đồng. Ở mức độ ngoài 10%, đã phân bổ cho bộ ngành và địa phương, ngoài ra có phần để lại chưa sử dụng. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương.

Thứ hai, về cơ chế lồng ghép giữa ngân sách Trung ương và địa phương, Quốc hội sẽ cho cơ chế. Hiện nay, Khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách đã quy định rõ không dùng ngân sách cấp này chi cho cấp khác. Tuy nhiên, Luật Ngân sách đã ban hành trong thời gian quá dài, đến nay không còn phù hợp. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới, ngân sách Trung ương chủ đạo, ngân sách địa phương chủ động. Đã đề xuất một số nội dung mà Luật Ngân sách không còn phù hợp.

Trong quá trình triển khai, hiện nay Quốc hội cũng đã cho một số cơ chế đặc thù với các địa phương, cho các địa phương thực hiện quyết định đầu tư, nguồn vốn giao trực tiếp cho các địa phương thực hiện nguyên tắc tại chỗ. Suốt quá trình địa phương chủ động, từng hạng mục sẽ có vướng trong tổ chức thực hiện.

"Thực tế qua số thu ngân sách của 7 địa phương, đã có bức tranh rất sáng. Hết tháng 4 cơ bản các địa phương đều đạt và vượt. Điều này thể hiện sự đồng thuận trên Trung ương và các địa phương. Hiện nay có kiến nghị của địa phương, giao tăng phần cân đối địa phương, đây là điều đáng mừng. Các địa phương đều có quyết tâm, ý chí chính trị để tăng nguồn vốn chia cho đầu tư", Vụ Phó Vụ Đầu tư Bộ Tài chính cho hay. 

Nghị quyết 29 Khoản 7 Điều 6 đã cho cơ chế các địa phương giao kế hoạch theo ngân sách thực tế, không làm ảnh hưởng bội chi, để đến cuối kỳ họp sẽ cộng lại. Trong Điều 59 Luật Ngân sách cũng cho phép tăng thu ngân sách địa phương, bố trí cải cách tiền lương, có chi cho đầu tư. Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho các địa phương chủ động tăng nguồn ngân sách địa phương.

Đối với kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu trung hạn, trong Luật Quản lý nợ vay và nợ công không quy định Chính phủ phát hành cho vay. Vì sức ép trong giai đoạn trung hạn phải hoàn thành, nguồn vốn chúng ta phải tập trung. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nếu khả thi thì khả năng có Hà Nội, TPHCM. Các tỉnh khác truy thu hơi khó. Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ chung cho các địa phương cũng là hợp lý. Và việc này bắt buộc vẫn phải tính trong bội chi ngân sách. 

Hướng tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô

Hướng tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô

Đối với vành đai 4 Vùng Thủ đôPhó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu ý kiến hình thức đầu tư là hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là mô hình đầu tư giữa Nhà nước và xã hội rất hiệu quả và hợp lý. Để triển khai dự án quan trọng quốc gia của khu vực Vùng Thủ đô, hiện nay tổng mức đầu tư của dự án rất lớn, 85.813 tỷ đồng. Nguồn vốn chia thành 3 nhóm dự án thành phần. Trong đó nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 thì ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 thì nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ, quy mô rất lớn.

Nhận thức khó khăn cho cả 2 khu vực vốn ngân sách Trung ương và địa phương nay đã được cân đối tương đối hoàn chỉnh của đầu tư công trung hạn Trung ương 2021-2025. Đối với Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỷ. Đối với 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phải cân đối trên 28.000 tỷ, cơ cấu tương đương Trung ương. Trong đó, Hà Nội là chủ yếu, tiếp đó đến Bắc Ninh và Hưng Yên.

Đối với 3 địa phương triển khai dự án đường song hành dưới thấp, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Đối với dự án PPP-BOT quy mô 29.410 tỷ, phải triển khai xong vào năm 2025.

Khó khăn được các chuyên gia đánh giá của dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 Vùng Thủ đô là công tác giải phóng mặt bằng. Do cơ chế đặc thù tạo lập từ các phương pháp chia nhóm dự án thành phần để tách riêng dự án giải phóng mặt bằng. Vành đai 3 TPHCM cơ bản không có đường sắt nhưng với Vành đai 4 Vùng Thủ đô là giải phóng mặt bằng dự trữ cho hành lang phát triển đường sắt 30 m trong tổng lộ giới giao động từ 90-135 m, trung bình là 125 m. Vì vậy nhóm dự án 1 là chìa khóa mở cho dự án 2, 3. Đồng thời, đây là quyết đáp của Chính phủ cho các địa phương, sau đây cũng sẽ được Quốc hội thống nhất là giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước, tạo lập sự đồng bộ đồng thời.

Giải phóng mặt bằng đang là "hố đen"các dự án chậm tiến độ

Mô hình tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Mô hình tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Trả lời cho câu hỏi cơ chế  phóng mặt bằng tại hai thành phố lớn ảnh hưởng tới tiến độ như thế nào, liệu có bảo đảm việc lựa chọn được đơn vị có năng lực và rút ngắn được tiến độ, bảo đảm chất lượng không; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương Ông Phương cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Tức là công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp.

Chính vì vậy, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; trong đó có 2 dự án Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 TP. Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm. Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.

Xác định 2 công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu, ột là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng. Ở đây có hạ tầng về điện, nước, viễn thông… tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được. Nếu đấu thầu để làm việc này đôi khi chỉ là hình thức và chỉ có 1 nhà thầu có thể thực hiện được việc này.

"Việc thứ hai là tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.

Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó còn nhiều hoạt động khác. Kinh nghiệm cho thấy về giải phóng mặt bằng, ngay như đối với Vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện nay, cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng chiếm chưa tới 25%. Nhưng đối với Vành đai 3 TPHCM có khả năng chiếm trên 50%. Do đó việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ. Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm.

Khó khăn này được xác định phải thực hiện theo chủ trương đầu tư tới đây trong năm 2022 đến năm 2024, chuẩn bị đầu tư là từ năm 2022 đến năm 2023. Hiện nay quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn: 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ (dưới 25%).

Riêng TP. Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha. Khi vượt qua khó khăn này thì các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 đường song hành đô thị sẽ diễn ra từ năm 2022-2026; đặc biệt dự án trung tâm PPP-BOT với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến sẽ phải hoàn thành trong năm 2025.

Bên cạnh đó, còn khó khăn nữa là Hà Nội thực hiện mô hình Nhà nước phối hợp với xã hội, tức là đầu tư công kết hợp đầu tư công tư. Đây là việc giảm tải ngân sách Trung ương, địa phương.Kinh nghiệm cho thấy việc triển khai cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, ngay cả giai đoạn 2, thì khả năng bảo đảm tính khả thi của BOT trong mô hình PPP là khó khăn.

Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP - BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế. Nhưng Hà Nội được sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm triển khai dự án này theo hình thức PPP. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP cũng đã chia sẻ phần doanh thu tăng giảm, khả năng thu phí kín của vành đai đặc trưng theo km. Hay như Vành đai 4 cũng có tính hấp dẫn riêng có để bảo đảm phát triển. Đây là điều kiện để bảo đảm tính khả thi nhưng cũng là một khó khăn đối với Vành đai 4.

Nguyên Ý
Bắc Ninh tăng xe phục vụ người dân dịp Lễ
Do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, dự báo lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải khách sẽ tăng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc ninh triển khai nhiều kế hoạch nhằm phục vụ nhu cầu tối đa nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp 30/4
Biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 được áp dụng tại cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5.

Yêu cầu đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp lễ
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan,…

Xem xét giảm phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ trong tháng 5/2024 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn
Chiều ngày 21/4, tại thành phố Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Cao tốc bị ngắt điện vì ban quản lý nợ phí
Ban quản lý dự án Thăng Long chưa bố trí kinh phí trả tiền điện khiến đơn vị điện tạm ngưng cung cấp điện tại các nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận.