Nhiều vấn đề đặt ra để đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Sau 2 năm TNGT giảm sâu, từ đầu năm 2022 đến nay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, kinh tế - xã hội phát triển trở lại đặt ra nhiều thách thức mới với công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 3.800 vụ TNGT, làm chết gần 2.300 người và hơn 2.400 người bị thương.Tình hình trật tự ATGT được đảm bảo, TNGT được kéo giảm về số vụ, số người chết giảm nhưng số người bị thương tăng cao.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể, từ đầu năm đến nay, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã ghi nhận sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan chức năng, đặc biệt là phải đối diện với áp lực rất lớn khi đất nước từng bước kiểm soát đại dịch Covid-19, các hoạt động đời sống xã hội, GTVT được khôi phục trở lại. Đây cũng là thời điểm tập trung nhiều cao điểm trật tự ATGT như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân.
Những “điểm sáng” trong công tác đảm bảo trật tự ATGT từ đầu năm đến nay có thể kể đến như Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT chủ động xây dựng và triển khai 2 kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy và chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ. Hai kế hoạch chuyên đề này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Cùng với đó, ngành GTVT cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo về chấn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý “điểm đen” TNGT, siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong dịp Tết; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa...
Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa khắc phục triệt để. Điển hình như trong 3 tháng đầu năm có tới 24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 15 tỉnh tăng trên 15%, 4 tỉnh tăng trên 50%. Trong đó, một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng, tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Vẫn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân uống rượu, bia. Tình trạng ATGT có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp nghỉ lễ. Vi phạm tải trọng đường bộ tái diễn tại nhiều địa phương, nhất là những nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng. Tái diễn xe quá tải đường dài, tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải...
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại này, nổi bật là 3 vấn đề chính. Trước hết là hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; công tác kiểm soát soát tải trọng phương tiện và kiểm tra việc thực hiện quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy. Tiếp đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng có nơi, có lúc nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.
Trước những thách thức lớn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp giảm sâu trên 10% cả 3 tiêu chí về TNGT.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đảm bảo trật tự ATGT năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát và nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công theo Kế hoạch Năm ATGT 2022.
Đáng chú ý, trong yêu cầu của Bộ trưởng, các địa phương có TNGT tăng phải làm báo cáo chuyên sâu, đánh giá cụ thể nguyên nhân và các giải pháp hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT. Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc một số địa phương có TNGT diễn biến phức tạp... “Đối với các địa phương có TNGT tăng cao trong quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm để TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu dẫn hướng, đèn chiếu sáng tại các nút giao đông dân cư; đối với các tuyến đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm sẽ rà soát tăng cường tường phòng hộ, xây dựng các đường cứu nạn để cứu nguy cho các xe mất phanh; hoàn chỉnh hệ thống báo hiệu trên đường cao tốc nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước mắt, để đảm bảo trật tự ATGT phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022 và mùa du lịch hè, mùa mưa lũ sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền, soát và xử lý hành vi vi phạm các quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông chưa triệt để. Để khắc phục tình trạng này, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Trước mắt, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Đồng thời, các cơ quan, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời có các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đẩy mạnh công tác bảo đảm ATGT mùa mưa lũ; cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi xảy ra các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.