Giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước, công tác chỉ đạo triển khai nhiệm vụ bảm đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều thay đổi.
Với sự quyết tâm cao, thực hiện mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn, năm qua, Tỉnh ủy, UBND, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Giang đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch covid như: Kết luận số 55-KL/TU ngày 7/3/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 22/7/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch số 1391/KH-UBND ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đã được quan tâm tập trung nguồn lực thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo quy hoạch. Nhiều dự án, công trình trọng điểm đã được hoàn thành góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế như: Đường Vành đai IV (Hà Nội); Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 17 đoạn Km72-Km88; Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn Việt Yên- Hiệp Hòa; xây dựng đường nối DDT293- Mỹ An; tuyến nối QL17 với QL.37.
Công tác phát triển giao thông nông thôn của tỉnh Bắc Giang được triển khai thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn toàn tỉnh hiện nay đạt trên 79,37; công tác quản lý bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng; công tác rà soát, xử lý điểm “đen”, điểm mất an toàn giao thông được quan tâm thực hiện.
Thường trực BATGT tỉnh thường xuyên đã tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT tại các địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo trên tuyến cao tốc Hà Nội- Bắc Giang, QL1, QL17, đường gom hai bên chạy qua khu công nghiệp; xử lý các bất cập, tồn tại vị trí giao cắt trên đường bộ , bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông và tổ chức giao thông, kiểm soát dịch covid-19 đối với hoạt động vận tải trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng và các huyện, thành phố triển khai, rà soát, xử lý các tồn tại, bất hợp lý về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông”; xây dựng cụm tín hiệu điều khiển giao thông và sửa chữa hệ thống đèn nháy và cảnh báo giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện với số tiền 4,5 tỷ.
Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao trên, năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 315 vụ tai nạn giao thông, làm chết 135 người , bị thương 261 người. So sánh với cùng kỳ năm 2020: giảm 67 vụ (-16,7%); giảm 57 người chết (- 29,7%), giảm 42 người bị thương (- 13,9%). Thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông tối thiểu 5% trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đưa ra một số giải pháp quan trọng, cụ thể như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban ATGT các cấp, nhất là cấp xã và các cơ quan thành viên đáp ứng yêu của tình hình mới; Tích cực xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép các mục tiêu, tiêu chí bảo đảm TTATGT vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, dân cư, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện…trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tập trung bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm “đen”, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt và cương quyết không để phát sinh lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; tăng cường quản lý hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, cầu phao và ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng đường thủy nội địa.
Nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động giao thông vận tải; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa ngành Giao thông vận tải, Công an, Y tế và các đơn vị liên quan để phục vụ công tác tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT gắn với phòng, chống dịch Covid. Triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ hoạt động vận tải gắn với thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải, nhất là phương tiện kinh doanh vận tải; năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; củng cố, nhân rộng hoạt động của các trạm, chốt sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân tai nạn giao thông; đẩy mạnh tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Cùng với cả nước, Bắc Giang đang nỗ lực giảm TNGT thông qua nhiều chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và thiệt mạng vì TNGT phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của cả cộng đồng cũng như đòi hỏi sự cố gắng của toàn xã hội.