Người dân Hà Nội quen với ngập?
Bầu trời Hà Nội tối sầm, đậm đặc mây giông, cơn mưa nặng hạt kèm theo gió giật, sấm chớp...và đường lại ngập sâu như mọi lần, khiến cho người dân ở nhiều quận nội thành phải lội đến 9-10h đêm mới về tới nhà. Đó là câu chuyện tối muộn ngày 5/7 và nhiều trận mưa trước đó.
Trong quá khứ, đợt mưa lớn gần nhất trong tháng 5 có cường độ tương tự ở Bắc Bộ xảy ra vào ngày 23 - 26/5/2016. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy năm nay có khả năng sẽ là một năm có nhiều thiên tai bất thường ở nước ta. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có ít nhất 3 lần ngập nặng vào ngày 29/5, 13/6 và vừa qua 5/7. Trong đó, theo chuyên gia khí tượng, trận mưa ngày 29/5 là một kỷ lục mưa giông trong suốt 36 năm ở Hà Nội, khu vực miền Bắc và Hà Nội sẽ còn tiếp tục xuất hiện mưa lớn, khả năng xảy ra lốc, sét, úng ngập.
Dường như người Hà Nội không còn bất ngờ vì thành phố ngập nặng hay tắc đường nữa. Người dân bình thản dù xe có hỏng, nước tràn vào nhà hay bị kẹt hàng giờ trú mưa. Mỗi khi ngập, hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì nước chảy vào; người trong nhà che chắn, tìm đủ mội cách để ngăn việc nước và rác thải tràn vào nhà. Trong khi, người ở ngoài đường phải kẹt hàng giờ trú mưa, chịu đói, chịu rét vì không "bơi" được về nhà.
Chị L. một nhân viên văn phòng trẻ cho biết: "Nhà tôi ở khu vực Cầu GIấy, qua ngã tư nước ngập đến cả mét, không những thế những nhà ở trong ngõ nước ngập mà chỉ ngao ngán vì rác tràn vào dọn nhà mất cả buổi hôm sau".
Cùng cảnh ngộ với chị L., chị T. trú tại Xuân La chia sẻ: "Mưa ngập không thể đón được con, ngồi 2-3 tiếng đồng hồ để sốt ruột và lo lắng. Con chị tại trường thì đói, nhớ mẹ mà không biết phải làm sao".
Sau quá nhiều lần ngập từ những mùa mưa gần đây, người dân Hà Nội có lẽ biết rằng dù kêu than cũng không thể giải quyết vấn đề, họ chỉ biết lặng lẽ tự làm những việc trong khả năng để bớt khổ, bớt việc khi bị "trời hành"!
Gần đây nhất là chiều ngày 5/7, chỉ khoảng 3 giờ đồng hồ mưa bão, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận lại ngập úng cho nhiều tuyến phố với độ sâu phổ biến từ 20-30cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 50-60cm.
Hệ thống đo mưa tự động của Công ty thoát nước Hà Nội ghi nhận 17/30 quận huyện Hà Nội mưa trên 50 mm trong khoảng hai tiếng rưỡi, cao nhất là điểm Hải Bối, huyện Đông Anh, xấp xỉ 250 mm; khu đô thị Resco, quận Bắc Từ Liêm, hơn 230 mm; phố Hoa Bằng, quận Nam Tư Liêm, 140 mm. Các điểm đo ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Trì mưa dao động 60-110 mm.
Đưa ra giải pháp trước mắt cho tình trạng ngập lụt theo chu kỳ hiện nay, nguyên Thứ trưởng Xây dựng cho rằng thành phố cần kiểm soát và mở rộng diện tích ao hồ, mặt cỏ trong nội thành để giữ không gian thoát nước, đồng thời sớm hoàn thành các dự án cống, trạm bơm còn dang dở, đầu tư đồng bộ cho hệ thống tiêu nước ở khu đô thị mới.
Giáo sư Vũ Trọng Hồng đề xuất thành phố đầu tư "bóng khí tượng", đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao. Đây là công nghệ giúp tính toán, dự báo những khu vực có lượng mưa bất thường để cảnh báo cho người dân cũng như cơ quan chức năng đối phó úng ngập.
Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì cho rằng Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm chống ngập úng ở các thành phố lớn, như xây bể ngầm trữ nước, đối phó với những hiệu ứng thời tiết bất thường như trận mưa hôm 29/5. Với diện tích tương đương với sân bóng đá, gợi ý bể ngầm này có thể dùng luôn làm nơi tích nước trong mùa khô phục vụ nông nghiệp.
Theo bà Hoàng Thị Mai Hương, phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP Hà Nội, giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng ngập úng trên toàn địa bàn TP là xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả sông Nhuệ, dự án trạm bơm Yên Nghĩa và hệ thống kênh dẫn để giải quyết thoát nước cho lưu vực hữu sông Nhuệ. Đầu tư dự án xử lý nước mưa khu vực hữu sông Nhuệ, trạm bơm Liên Mạc, Gia Thượng, Cự Khối và hồ điều hoà, tuyến mương Thượng Thanh…
Đồng thời theo bà Hương, Hà Nội nên tiếp tục đề xuất triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725. Đồng thời, rà soát quy hoạch chuyên ngành đảm bảo thoát nước bền vững, tích hợp vào điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.