T.T.Huế thiệt hại tài sản 1.500 tỷ đồng từ tai nạn giao thông
Có 5 địa phương tăng về người chết gồm: Thành phố Huế tăng 8 người chết (+42,1%); huyện Phong Điền tăng 6 người chết (+600%);...
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 130 vụ, làm chết 93 người, bị thương 66 người, thiệt hại tài sản khoảng 1.502,7 triệu đồng.
So với 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7 vụ (+5,7%), tăng 16 người chết (+20,8%), giảm 23 người bị thương (-25,8%). Trong đó, TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 1 vụ làm chết 3 người, bị thương 1 người; TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 5 vụ làm chết 10 người; bị thương 1 người. Có 5 địa phương tăng về người chết gồm Thành phố Huế tăng 8 người chết (+42,1%); huyện Phong Điền tăng 6 người chết (+600%); thị xã Hương Thủy tăng 6 người chết (+54,5%); thị xã Hương Trà tăng 1 người chết (+10%); huyện Phú Lộc tăng 1 người chết (+5,6%).
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục triển khai các kế hoạch cao điểm, tổ chức ra quân tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông. Đồng thời, tập trung vào các tuyến và địa bàn có số tai nạn và người chết gia tăng như QL1A đoạn qua Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Lộc, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đưa vào khai thác.
Tỉnh cũng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường thủy, đường sắt các đoạn xảy ra tai nạn như Thành phố Huế, Hương Thuỷ, Phú Lộc; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý.
Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện số 06/CĐ-UBND gửi đến các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, yêu cầu xử lý vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không đi đúng phần đường, làn đường và không nhường đường cho xe sau xin vượt theo quy định. Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thiết bị ghi hình thu được từ camera, do người dân cung cấp, qua Hue-S; tập trung vào nhóm các đối tượng thường xuyên vi phạm, tái phạm (xe ô tô chở khách, xe chở container, tình trạng đua xe trái phép). Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến thuyền chở khách du lịch, trên các tuyến, luồng đường thủy phức tạp.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được xác định; rà soát bổ sung hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông phức tạp, tầm nhìn hạn chế... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thi công, bảo trì kết cấu hạ tầng tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố; vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia tổ chức hướng dẫn, cảnh giới tại các vị trí đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị sẽ triển khai các biện pháp “mạnh tay” hơn. Đặc biệt đối với các hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… cơ quan chức năng sẽ gửi về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định. Nghiêm cấm việc can thiệp, tiếp nhận can thiệp xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.
“Tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn, thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện gây TNGT, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật liên quan; tăng cường khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý và kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải vi phạm. Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông. Công an tỉnh, Công an địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại các tuyến đường, hành vi gây tai nạn như: Chở quá tải, dừng đỗ trước quán ăn, rửa xe dọc QL1 tại 02 địa bàn là Hương Trà và Phú Lộc”, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định.
Bên cạnh đó, đơn vị yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tình hình tai nạn giao thông phức tạp xảy ra trong thời gian qua tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán, họp chợ... gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; tập trung váo các nhóm đối tượng thường gây TNGT như thanh thiếu niên, lái xe kinh doanh vận tải, xe dù, xe ké, trên tuyến đường giao thông thường xảy ra tai nạn như Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường nội thị.