Nan giải chuyện bồi thường xe cháy ở bãi giữ vi phạm của Công an
144 xe máy của người dân vi phạm an toàn giao thông bị cháy khi để trong bãi giữ xe của Công an tỉnh Bình Dương. Trách nhiệm bồi thường cho chủ nhân những chiếc xe này theo luật sẽ như thế nào?
Theo báo cáo của công an, vụ cháy bãi giữ xe vi phạm của Công an P.Tân An trên đường ĐX 11 (KP.9, P.Tân An, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) xảy ra lúc gần 11 giờ ngày 22/5, sau khi được dập tắt đã có hàng trăm xe máy bị thiêu rụi. Bãi giữ xe vi phạm của Công an P.Tân An có diện tích khoảng 80m2. Thống kê ban đầu có khoảng 144 chiếc xe máy đã bị cháy rụi.
Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu các xe bị cháy?
Theo luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P cho biết, theo các quy định tại Nghị định 138/2021/NĐ-CP, quy định "người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật...".
Theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ của bên cầm giữ là "bảo quản tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ, bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ".
"Như vậy, trường hợp CSGT hoặc người đang trực tiếp bảo quản xe của người vi phạm làm cháy nổ, hư hỏng thì CSGT hoặc người đang trực tiếp bảo quản tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nếu các bên không thương lượng được, chủ xe có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường", luật sự Cường nói.
Tổng số xe thiệt hại do vụ cháy tính đến nay gồm 144 chiếc xe, không tính những xe đời mới thì trung bình giá của những chiếc xe này rơi vào khoảng hơn 25 triệu/chiếc. Vì vậy có thể ánh chừng tổng thiệt hại sẽ lớn từ 3 đến 5 tỷ đồng.
Giá trị xe đã qua sử dụng được tham khảo giá từ những nơi mua bán xe cũ, mức giá đưa ra cả CSGT và bên chủ xe thấy hợp lý thì thống nhất. Số tiền bồi thường cho chủ xe bị tạm giữ do cán bộ được giao trông coi chi trả. Hai bên có thể thống nhất với nhau để thuê một đơn vị độc lập giám định giá trị tài sản.
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu xe vi phạm có bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì công ty bảo hiểm là đơn vị bồi thường thiệt hại. Khi đó việc bồi thường không quy về trách nhiệm người quản lý (công an quản lý trong trường hợp này).
“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy) là loại hình mà các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật. Khi rủi ro xảy ra tai nạn, nạn nhân được khắc phục tổn thất về người và tài sản, chủ xe và lái xe cũng nhận được bồi thường từ Quỹ Bảo hiểm thông qua các công ty bảo hiểm”, luật sư Cường cho biết thêm.
Được biết, xe máy đã được mua bảo hiểm tự nguyện cho mô tô - xe máy (phạm vi bảo hiểm bao gồm bảo hiểm cháy nổ) thì thiệt hại này do Công ty bảo hiểm chi trả không vượt quá số tiền bảo hiểm hoặc giá trị bảo hiểm đã ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức gây ra vụ cháy bồi thường số tiền đã chi trả.
Còn đối với xe đã có quyết định tịch thu, chuẩn bị đem bán đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục đấu giá, số xe này bị cháy nổ, hư hỏng thì trách nhiệm vẫn thuộc về người đang trực tiếp quản lý, bảo quản những tài sản nói trên. Nếu xác định được người nào có hành vi cố ý gây cháy nổ làm mất mát, hư hỏng thì cá nhân/cơ quan đang trực tiếp quản lý có quyền yêu cầu người đó phải bồi thường thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.