Mở rộng chuyên án tại Công ty xây dựng Tây Hồ
Ông Nguyễn Tấn Hoàng - Chủ tịch HĐQT của Công ty CP đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ bị bắt sau 1 tháng 4 lãnh đạo cũ của công ty này bị Công an tỉnh Bắc Ninh tạm giam.
Ngày 22/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Tấn Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Tấn Hoàng ở Công ty Tây Hồ.
Trước đó, ngày 14/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, chỗ làm việc đối với 4 nguyên lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ:
Tân Tú Hải, 61 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội – Thành viên Hồi đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc; Đặng Quang Tuấn, 51 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phan Việt Anh, 46 tuổi, ở quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội – nguyên Phó Tổng Giám đốc; Chu Thị Ngọc Ngà, 60 tuổi, ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội – Trưởng Ban kiểm soát.
Cuối năm 2021, Công ty Tây Hồ đã vướng nhiều lùm xùm tại Dự án Khu đô thị mới Quế Võ I. Dưới hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Tây Hồ đã tự ý chuyển nhượng dự án Khu đô thị mới Quế Võ I cho Công ty đầu tư và phát triển Thăng Long Land mà không cần "sự cho phép" của Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.
Công ty Tây Hồ tự ý thống nhất với Thăng Long Land về giá trị đã đầu tư của Công ty Tây Hồ tại dự án 90 tỷ đồng được cho là không có căn cứ, không theo quy luật thị trường và các quy định của Nhà nước về xác định giá trị đầu tư, không có đơn vị tư vấn xác định giá trị, đơn vị thẩm định giá, đơn vị kiểm toán. Khi đó, cổ đông Công ty Tây Hồ đã cho rằng hành vi này gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước và cổ đông công ty.
Được biết, Công ty Tây Hồ có trụ sở chính tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội, là công ty có 50,09% vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (đơn vị có 98,83% vốn Nhà nước), số cổ phần còn lại là của người lao động trong Công ty Tây Hồ.
Năm 2013, từng là "con cưng" của Bộ Xây dựng, Công ty Tây Hồ được giao một số gói thầu như hoàn thiện khu nhà ký túc xá của công nhân làm việc tại Cty TNHH Samsung Electronics Viêt Nam tại KCN Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, gói thầu thi công nhà ở cao tầng công nhân tại KCN Yên Bình tỉnh Thái Nguyên và một số gói thầu khác.
Năm 2020, Kiểm toán tại Hancorp - Công ty mẹ của Công ty Tây Hồ nói trên, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra loạt tồn tại đất đai, quản lý tài chính, chi phí đầu tư dự án thời gian qua, và yêu cầu phải nộp bổ sung vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 của Hancorp cho thấy dù được Nhà nước giao quản lý, sử dụng quỹ đất hàng trăm hecta đất nhưng tổng công ty này đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm. Riêng tại Dự án khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, Công ty Tây Hồ (công ty con Hancorp) thời điểm đó cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9ha đất trong nhiều năm.
Theo kết luận của KTNN, doanh thu năm 2019 của Hancorp đạt khoảng 2.472 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 131,1 tỷ đồng. Lợi nhuận kinh doanh của Hancorp thu được theo kết luận kiểm toán là nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản có lãi hơn 132 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính là xây lắp và các hoạt động kinh doanh khác mang lại doanh thu lớn nhưng lại lỗ khoảng 34,5 tỷ đồng trong năm 2019.
Nguyên nhân do nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài; 3/6 đơn vị thành viên Hancorp kinh doanh thua lỗ trong năm 2019, gồm Công ty Tây Hồ, Hancorp 1, TB&VLXD Hancorp.