Lào Cai: Thủy điện Mây Hồ không chung tiếng nói với dân
Trước vụ "hỗn chiến" tại công trường thi công Thuỷ điện Mây Hồ ngày 14/3/2022 được lan truyền trên mạng thì đã có "sóng ngầm" trong dân từ lâu khi chủ đầu tư và địa phương không có câu trả lời thoả đáng về đền bù nguồn sống và đất.
Chủ đầu tư Thuỷ Điện Mây Hồ đền bù cho dân 500 triệu không hết trách nhiệm?
Về vụ "hỗn chiến" xảy ra chiều ngày 14/3/3022 tại hiện trường Thuỷ Điện Mây Hồ, Lào Cai bước đầu đã được sắp xếp khi chủ đầu tư đền bù 520 triệu đồng cho dân. Tuy vậy, sự việc vẫn chưa thể dứt điểm.
Quay lại clip hỗn chiến, rất đông người cầm theo gậy đánh về phía đối phương, sự việc xảy ra ở sườn núi. Có người dùng đá ném khiến nhiều người bị rơi xuống suối, vụ việc dẫn đến hậu quả khiến nhiều người bị thương phải đưa đi bệnh viện sau đó. Đây là vụ xô xát xảy giữa người dân của xã Ngũ Chỉ Sơn với công nhân thuộc Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ, tại thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai).
Công an thị xã Sa Pa cho biết ngày 16/3/2022 đã triệu tập gần 50 người có liên quan lên trụ sở để phục vụ công tác điều tra. Kết quả giải quyết vụ xô xát, phía doanh nghiệp thi công Thủy điện Mây Hồ là Công ty TNHH Xây dựng An Phú sẽ hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân và 2 thôn trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn là 520 triệu đồng.
Trong đó, 17 trường hợp người dân bị thương do xô xát gây ra được bồi thường theo thỏa thuận với từng đối tượng, chia làm hai mức 5 triệu và 80 triệu đồng tùy mức độ nặng nhẹ. Hai trường hợp được hỗ trợ 15 triệu và 90 triệu đồng do bị nặng hơn. Nhân dân 2 thôn đã xảy ra vụ xô xát với công nhân Công ty (gồm thôn Can Hồ B và thôn Lủ Khấu xã Ngũ Chỉ Sơn) được hỗ trợ mỗi thôn 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc thi công hạng mục đập đầu mối thủy điện Mây Hồ cũng sẽ phải tạm dừng đến khi giải quyết xong việc bồi thường cho các hộ dân và đưa ra được phương án đền bù cho các hộ nuôi cá bị ảnh hưởng do quá trình thi công công trình.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sự việc mới giải quyết triệt để được vấn đề, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Diễn biến sự việc qua clip cho thấy một nhóm người dùng gậy và gạch đá ném vào nhau. Những người này hoàn toàn có thể nhận thức được rằng hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công nhau hoàn toàn có thể gây ra thương tích nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi nên những hành vi này có thể được xác định là hành vi cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, cần làm rõ những người lạ mặt xuất hiện trong vụ xô xát này có phải là người của công ty hay không, những hung khí mà những người này sử dụng lấy từ đâu, có sự chuẩn bị từ trước hay không, mục đích của những người này có mặt ở đây để làm gì. Nếu trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã thuê, mướn những người này đến gây thương tích cho những người dân thì những người thuê, mướn sẽ bị xử lý hình sự với vai trò chủ mưu, kể cả trường hợp những người đó không có mặt trên hiện trường.
Thủy điện Mây Hồ - Nơi dân không "được nói"?
Theo ông Đinh Huy Cường – Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, nguyên nhân chính của vụ xô xát này là do việc thi công thủy điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mà các hộ dân đang chăn nuôi cá hồi tại bản Lủ Khấu, vị trí các hộ này đặt ao nuôi cá không nằm trong phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng. Trước mắt, quá trình bồi thường hỗ trợ sẽ được ưu tiên, việc này đang chậm tiến độ nên các bên đều mong muốn được giải quyết.
Tìm hiểu thêm về bức xúc trong dân cho thấy, lợi ích tại Thuỷ điện Mây Hồ đang mới đứng về phía doanh nghiệp. Trao đổi với báo chí, đại diện một trại cá tại thôn Lủ Khấu chia sẻ, trại cá nhà anh mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa cá, lợi nhuận khoảng 800 triệu, vốn đầu tư ban đầu cũng rất lớn bởi cần xây bể bêtông và hệ thống dẫn nước, mỗi trại cá có 2-3 hộ chung cùng góp vốn. Cuối năm 2021, xã và Công ty Mây Hồ đề xuất tạm dừng nuôi cá để xây dựng hầm dẫn nước; nhưng phía công ty không ý kiến hay thỏa thuận mà cho biết sẽ có vệ sĩ bảo vệ thi công.
Cũng theo tìm hiểu, vụ việc xô xát vừa qua cũng là do trong quá trình giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết thỏa đáng. Còn theo UBND Thị xã Sa Pa, Dự án thủy điện Mây Hồ đã thu hồi đất của 45 hộ dân, trong các Quyết định do Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) ký ngày 26/11/2019 cho thấy các hộ dân bị thu hồi từ vài chục đến vài chục nghìn mét vuông đất. Trong Quyết định thu hồi đất có nêu rõ UBND xã Bản Khoang (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn) có trách nhiệm giao Quyết định cho các hộ dân có đất bị thu hồi, trường hợp hộ dân không nhận hoặc vắng mặt thì lập biên bản và niêm yết Quyết định tại xã Bản Khoang và điểm sinh hoạt thôn Lủ Khấu.
Được biết, chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ là Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ, có địa chỉ tại đường Hoàng Liên, tổ 22, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đại diện pháp luật là ông/bà Nguyễn Ngọc Linh.
Theo tìm hiểu, đây cũng không phải lần đầu tiên ở Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai xảy ra xô xát giữa người dân địa phương với công nhân và Chủ đầu tư dự án thủy điện. Trước đó, chiều 27/8/2020 có khoảng 20 người mặc quần áo công nhân mang theo hung khí xuất hiện tại khu vực thủy điện Nậm Sài (xã Bản Hồ, Thị xã Sa Pa) do Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long làm chủ đầu tư đe dọa người dân, rất may cán bộ và Công an xã có mặt kịp thời ngăn chặn vụ việc.