Lăn tăn chuyện tìm nhà đầu tư ở Cảng hàng không Phan Thiết
Cũng có nhiều đơn vị đủ điều kiện chuyên môn và tài chính làm BOT sân bay như ACV, Liên Thái Bình Dương, Sungroup,...nhưng đến nay tỉnh Bình Thuận vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thay thế Tập đoàn Rạng Đông thực hiện gói thầu hơn 4.800 tỷ đồng, trong khi Thủ tướng yêu cầu phải về đích trong năm 2023.
Bình Thuận lo tiêu chí chọn nhà đầu tư
Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức vào ngày 5/1/2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết hiện tỉnh vẫn chưa tìm được nhà đầu tư cho các hạng mục dân dụng (nhà đầu tư cũ là tập đoàn Rạng Đông).
Trước đó, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận có sự tham dự của nhiều bộ ngành vào ngày 31/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt phê bình tỉnh Bình Thuận và các bộ ngành trong việc chậm trễ thi công các hạng mục của dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Thủ tướng Chính phủ nhấ n mạnh trong phiên họp, nhà đầu tư Nhà ga dân dụng sân bay Phan Thiết phải được lựa chọn công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm uy tín, năng lực hoàn thành công trình trong năm 2023. Sau đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành (tại Thông báo số 298 của Văn phòng Chính phủ) chỉ đạo, yêu cầu tỉnh Bình Thuận rà soát lại thủ tục, quy trình để chọn nhà đầu tư mới cho các hạng mục dân dụng, phấn đấu hoàn thành dự án Cảng hàng không Phan Thiết vào cuối năm 2023.
Trước đây, hạng mục dân sự cấp 4C của sân bay Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm nhà đầu tư theo hình thức BOT với mức vốn 1.693,7 tỷ đồng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E, tỉnh Bình Thuận cũng buộc phải lựa chọn nhà đầu tư khác để phù hợp quy mô của Cảng Hàng không Phan Thiết.
Theo ông Minh, một trong những khó khăn trong tìm nhà đầu tư để đầu tư xây dựng các hạng mục dân dụng của Cảng hàng không Phan Thiết chính là năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. “Theo quy định bắt buộc của Hội đồng thẩm định T.Ư, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm xây dựng sân bay, đây là điều kiện khó để tìm nhà đầu tư hiện nay”, ông Nguyễn Minh cho biết. Việc khó tìm nhà đầu tư cho BOT cảng hàng không hi vọng không giống câu chuyện của BOT giao thông từng được bàn đến nhiều.
Trước đây, Tập đoàn Rạng Đông dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không nhưng lại là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông,...và đặc biệt có mối quan hệ chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận. Tại Bình Thuận, Rạng Đông Group được xem là một trụ cột của địa phương này khi hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và đóng góp lớn vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh này.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây lắp, CTCP Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và dự kiến kéo dài tới tháng 10/2021. Tuy nhiên, công ty này đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm. Công ty con của CTCP Rạng Đông là Công ty TNHH MTV XDCB Rạng Đông cũng là một trong những nhà thầu lớn tại địa phương.
Đây là trách nhiệm xã hội, bởi đây là mong mỏi của nhân dân và chính quyền tỉnh Bình Thuận, mảnh đất là đất lành cho Rạng Đông trưởng thành, lớn mạnh như ngày nay. Sân bay Phan Thiết hình thành sẽ tạo sức bật mới cho kinh tế tỉnh Bình Thuận.
Nói về quyết định bỏ tiền đầu tư sân bay ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông từng phát biểu
Công ty này đã trúng - rất sát giá - gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án “Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận” với giá trúng thầu là 100,36 tỷ đồng (giá gói thầu 100,52 tỷ đồng). Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…
Rạng Đông Group có trụ sở tại hai mặt tiền đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Cư Trinh, TP Phan Thiết.
Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông Group là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Rạng Đông Group xin gia hạn mỏ khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 nhằm cung cấp nguồn vật liệu san lấp để cung cấp cho các dự án tuyến đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn Dầu Giây – Phan Thiết) và dự án sân bay Phan Thiết.
Ngoài ra, "hệ sinh thái" Rạng Đông Group còn nhiều cái tên khác đáng lưu ý như: Công ty TNHH MTV Sealinks City, Công ty Khu nghỉ mát Phan Thiết, CTCP Khoáng sản Sông Bình, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Phúc, Công ty TNHH Tư vấn tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, Công ty TNHH B.O.T Cảng hàng không Phan Thiết, CTCP Đầu tư tổng hợp Long Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại Quang Minh., Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông, CTCP Tổng hợp Sunrise.
Vậy, đơn vị nào có thể thay thế Tập đoàn Rạng Đông, có thể nhìn sang một vài cảng hàng không được xây dựng trong những năm gần đây? Tại cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 1/2023 về việc kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, những nhà thầu quốc tế rất uy tín như Taisei (Nhật Bản), Hyundai, Samsung (Hàn Quốc) đang quan tâm gói thầu phần thân Nhà ga hành khách Long Thành. Tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng công trình.
Tại Sân bay quốc tế Long Thành, Gói thầu phần thân nhà ga hành khách bị hủy thầu, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư và Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về điều này, sắp tới sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, nhìn chung xét về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và tài chính, ACV vẫn có thể là lựa cho một dự án mới. Năm 2022. ACV lãi trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần cả hai năm dịch cộng lại. Năm 2022, ACV cũng đã thực hiện theo tiến độ một số dự án trọng điểm như xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhà ga hàng không T3 tại Tân Sơn Nhất...
Nhà đầu tư "tay ngang" tham gia vào lĩnh vực hàng không nhưng đã có được thành tựu đáng kể là Sun Group - đơn vị làm cảng hàng không đầu tiên xây dựng theo hình thức BOT. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư theo hình thức BOT với số vốn 7.700 tỷ đồng. Là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Chủ đầu tư sân bay này chỉ mất 27 tháng để hoàn tất những hạng mục cơ bản nhất như đường băng, sân đỗ, các công trình đảm bảo hoạt động bay như nhà ga, tháp không lưu, hệ thống trang thiết bị cơ bản hoàn thiện… Trong khi đó, điều kiện thi công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khó khăn hơn nhiều so với các sân bay khác. Ngoài ra, ngày 2/3/2022, Bộ Giao thông Vận tải cũng cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Sun Air, hãng hàng không trực thuộc Sun Group.
Hay một số cái tên được nhắc tới tại Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh do Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) là chủ đầu tư. Qua tìm hiểu được biết, CRTC là công ty được thành lập bởi 6 nhà đầu tư gồm: ACV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hoá Nasco và Vietjet.
Đáng chú ý, Chủ tịch của CRTC là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một doanh nhân khá nổi tiếng, ông đồng thời cũng là Chủ tịch của IPP và đã từng là thanh tra tài chính của hãng Boeing của Mỹ. Trong liên doanh đầu tư vào Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, có lẽ bí ẩn nhất là Công ty Việt Xuân Mới. Khá ít thông tin về công ty này, tuy nhiên, gần đây Việt Xuân Mới xuất hiện trong nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần trong lĩnh vực hạ tầng và logistic. Đầu 2016, Việt Xuân Mới được chọn là đối tác mua 51% cổ phần của Vinalines tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ, hiện là thành viên trong liên danh 3 nhà đầu tư dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên,…Công ty này có vốn điều lệ 160 tỷ.
Có điều, ông Johnathan Hạnh Nguyễn mới đây cũng thất bại trong kế hoạch lập hãng bay. Theo hồ sơ xin cấp phép lập hãng hàng không, IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, 777, Airbus A330 và tương đương với số lượng 5 chiếc (bắt đầu từ năm 2022), tăng dần lên thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo. Dự án IPP Air Cargo trước khi xin rút hồ sơ thì đã công bố có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% vốn huy động. Theo kế hoạch ban đầu, doanh thu hơn 71 triệu USD năm đầu cất cánh và tăng lên xấp xỉ 170 triệu USD vào năm thứ 5. Nhưng các mục tiêu này đã sớm khép lại.
Như vậy, nhìn chung vẫn có nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, không thật sự khó như lo ngại của lãnh đạo Bình Thuận. Có điều bài toán tài chính với mỗi dự án vẫn còn bỏ ngỏ.
Vốn đầu tư khó hay thu hồi khó hơn?
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, dự án Sân bay Phan Thiết được nâng tầm thành dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E. Đường băng cất cánh của sân bay từ 2.400 m lên 3.050 m, cảng hàng không Phan Thiết có vai trò sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Vốn đầu tư BOT tăng từ 1.693,7 tỷ đồng lên 4.812,7 tỷ đồng.
Mặc dù có tới 10 nhóm vấn đề mà UBND tỉnh Bình Thuận sẽ phải khẩn trương rà soát, giải trình, nhưng phương án tài chính và khả năng huy động vốn của nhà đầu tư được lựa chọn - Công ty cổ phần Rạng Đông vẫn là những điểm cấn cá nhất.
Theo hồ sơ điều chỉnh của UBND tỉnh Bình Thuận, tổng vốn đầu tư Dự án (cả 2 giai đoạn) là 4.812,789 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.180 tỷ đồng (chiếm 24,6%). Qua xem xét Báo cáo tài chính năm 2021 (được kiểm toán) của Công ty cổ phần Rạng Đông, Hội đồng Thẩm định liên ngành nhận thấy, nguồn vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư này có thể huy động chỉ khoảng 521 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngắn hạn của Công ty cổ phần Rạng Đông cũng chủ yếu là phần phải thu và hàng tồn kho.
Được biết, trước khi Hội đồng Thẩm định liên ngành nhóm họp (4/7/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng đã nhận được Văn bản số 887.CV/DADT-RĐ của nhà đầu tư kèm theo Báo cáo tài chính quý I/2022, trong đó có cập nhật số liệu về năng lực tài chính của Công ty cổ phần Rạng Đông, chứng minh tài chính của Công ty là đủ để thực hiện giai đoạn 1 Dự án. Tuy nhiên, báo cáo tài chính này lại chưa được kiểm toán theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về việc quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Không chỉ vướng về phần vốn chủ sở hữu, việc huy động vốn tín dụng để thực hiện Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết cũng được Hội đồng Thẩm định liên ngành yêu cầu làm rõ. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn vay từ tổ chức tín dụng để thực hiện Dự án mà nhà đầu tư dự kiến trong giai đoạn I là 2.787 tỷ đồng, thời gian vay vốn là 15 năm, trong đó 9 năm đầu khai thác công trình không có khả năng trả nợ.
Tại Công văn số 3769/NHNN-TD, NHNN ghi nhận việc Ngân hàng VietinBank đã có Xác nhận cung cấp tài chính số 600-XNCCTC202201 ngày 11/5/2022, trong đó đồng ý cung cấp tài chính hoặc làm đầu mối cung cấp tài chính cùng các tổ chức tín dụng khác với số tiền tối đa là 2.787 tỷ đồng, song với điều kiện tại thời điểm cấp tín dụng, Công ty cổ phần Rạng Đông và khoản tín dụng đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật. “Đây là văn bản cam kết có điều kiện. Việc cho vay phụ thuộc vào việc đáp ứng các điều khoản cấp tín dụng theo quy định”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN phân tích.
Trước đó, vào tháng 5/2021, NHNN đã có Công văn số 3724/NHNN-TD gửi Hội đồng Thẩm định liên ngành và UBND tỉnh Bình Thuận. Tại công văn này, NHNN cho rằng, với phương án tài chính có hiệu quả không cao, Dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng.
Một điểm lo ngại khác mà NHNN đưa ra cảnh báo là thời gian hoàn vốn của Dự án lên tới 44 năm, trong khi nhà đầu tư tư nhân chưa có kinh nghiệm quản lý, khai thác và các yếu tố liên quan đến doanh thu/chi phí khai thác trong thời gian dài rất khó dự báo, dẫn đến rủi ro cho các bên liên quan.
Được biết, tính khả thi về phương án tài chính cũng được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nêu ra khi góp ý hồ sơ điều chỉnh Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết. Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo nội dung tính toán các chỉ tiêu tài chính và kế hoạch trả nợ vay, dòng tiền 9 năm đầu sau khi đưa công trình vào khai thác bị âm (từ năm 2025 đến năm 2035). Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cân nhắc thêm các phương án để đảm bảo tính khả thi về tài chính như tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, tăng phần vốn góp của địa phương hoặc kết hợp cả hai phương án trên.
Một lo ngại nữa tại Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết là tiến độ triển khai công trình đã bị tụt rất sâu so với hợp đồng BOT (hoàn thành vào quý IV/2018) cũng như Dự án Đầu tư khu bay quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư (quý III/2023). UBND tỉnh Bình Thuận cần có giải pháp rút ngắn tiến độ triển khai hạng mục dân dụng để có thể khai thác đồng bộ công trình, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bài toán kinh tế sau đầu tư thêm hấp dẫn?
Chủ đầu tư BOT có thể được tạo thêm điều kiện làm dự án thu lợi nhuận bù đắp phần nào chi phí đầu tư, hoàn vốn. Câu chuyện thầu từng phức tạp tại dự án nói trên cũng phần nào khiến cho nhà đầu tư mới lăn tăn. Trong phạm vi bài viết nhắc lại dự án bất động sản liên quan của nhà đầu tư nhận thầu cũ.
Theo rà soát của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bình Thuận, việc công bố dự án BOT nhà ga sân bay Phan Thiết phải được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 (Nghị định 108/2009/NĐ-CP) là phải công bố danh mục trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành và Báo Đấu thầu 3 số liên tiếp. “Tuy nhiên, việc tiến hành công bố danh mục dự án và đăng tải trên Báo Đấu thầu được Sở KH-ĐT thực hiện vào tháng 9 năm 2014 là chưa phù hợp theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ”, văn bản nêu.
Quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, theo quy định tại Khoản 1, Điều 12 (Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 5.4.2011 của Chính phủ) thì “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đàm phán hợp đồng dự án với nhà đầu tư”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7285/VPCP ngày 18/9/2014 là phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi xong trước ngày 15/11/2014. Tuy nhiên, trong khi các đơn vị liên quan chưa hoàn thành thì chủ đầu tư là Công ty CP Rạng Đông đã ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn để lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 24/2011 ngày 5.4.2011 của Chính phủ”.
Sở KH-ĐT Bình Thuận cho rằng, tại bản hợp đồng số 2741/HĐ.BOT-UBND ngày 20/9/2016 được ký kết giữa UBND tỉnh Bình Thuận với nhà đầu tư (Công ty CP Rạng Đông), tại Điểm d, Khoản 71.3 Điều 71, có quy định: “Khi một trong các trường hợp sau đây xảy ra, mỗi bên có quyền đề nghị bằng văn bản đối với bên kia để giải quyết việc chấm dứt hợp đồng này trước thời hạn. UBND tỉnh Bình Thuận đơn phương hủy bỏ hợp đồng do có thay đổi chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Mặt khác, cũng theo Sở KH-ĐT Bình Thuận, Khoản 3, Điều 4 (Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ) quy định trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay “ký hợp đồng giao kết khai thác theo quy định với doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tương ứng tại cảng hàng không, sân bay”.
Tuy nhiên, từ khi Rạng Đông tư ký kết hợp đồng số 2741 ngày 20/9/2016 vẫn chưa thực hiện việc ký kết khai thác theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 102 của Chính phủ.
Tin dữ liên hoàn nhập tới với công ty này, khi cũng trong năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã ký quyết định số 523/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh này (số 1250, ban hành ngày 12/5/2017) cho phép Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết (thuộc Tập đoàn Rạng Đông) chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Luxury Aparment Tower, tại ven biển thuộc P.Phú Thủy (TP.Phan Thiết).
Trong bản thiết kế tổng thể Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có đến 5 tòa tháp cao tầng mọc lên ngay ven biển, sát với khách sạn Ocean Dunes hiện nay. Tuy nhiên, khu đất 2,5 ha mà Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết muốn xây các tòa tháp của dự án Luxury Aparment Tower có nhiều uẩy khúc với diện tích sân golf Phan Thiết mà UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thể thao, văn hóa sang đất ở đô thị.
Cụ thể, vào ngày 6/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ký Quyết định số 909, quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết cho Tập đoàn Rạng Đông chỉ có diện tích 62,056 ha.
Đến ngày 1/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khi đó là ông Nguyễn Ngọc Hai đã ký Quyết định số 2631 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết lên 64,56 ha. Điều này có nghĩa là tăng 2,5 ha đất cho toàn bộ Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Mới nhất ngày 1/2/2023, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Ngọc Hai - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cùng 11 đồng phạm, ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử. Cáo trạng truy tố các ông Nguyễn Ngọc Hai và Lương Văn Hải (nguyên chủ tịch và phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan T.Ư, diện tích 2,5 ha mà UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết để xây dựng dự án Luxury Aparment Tower không thuộc đất của Tập đoàn Rạng Đông mua lại từ chủ cũ sân golf Phan Thiết, mà đất do nhà nước quản lý chỉ cho chủ đầu tư sân golf quản lý, sử dụng, không được xây dựng công trình kiên cố.
Dự án Luxury Aparment Tower có các tòa cao ốc ven biển đã bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Chưa hết, diện tích đất này nằm sát ven biển, nếu cho Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết triển khai đầu tư hạ tầng có thể vi phạm khoản 1, Điều 79 của luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Do vậy, ngày 22/2/2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi chứng nhận đầu tư dự án và 2 ngày sau (24.2) tiếp tục thu hồi quyết định cho phép Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích 2,5 ha nêu trên. Ngay sau đó, tháng 3/2022 Cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Bình Thuận tiến hành đo đạc thực địa, chụp ảnh toàn bộ Khu du lịch đô thị biển Phan Thiết để phục cho việc điều tra theo đơn tố giác tội phạm các sai phạm của UBND tỉnh Bình Thuận tại dự án này.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành dự án hàng không, một số doanh nghiệp dịch vụ hình thành cũng hỗ trợ phần nào phương án thu hồi vốn cũng như tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy vậy, lợi nhuận tại một số công ty dạng như thế đang hoạt động chưa thật sự bứt phá. Đơn cử như, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa công bố báo cáo tổng hợp quý IV/2022 và năm tài chính 2022. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của SASCO trong quý IV/2022 đạt 105 tỷ đồng, tăng hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước đó từ mức chỉ hơn 2,7 tỷ đồng.
Hiện cơ cấu cổ đông của SASCO gồm: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (49,07%), cùng 3 cổ đông chiến lược đều là công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang - Mỹ phẩm Duy Anh, Công ty TNHH Thời trang - Mỹ phẩm Âu Châu.
Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030 tính riêng cho 28 CHK được quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng, Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Như vậy, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng. “Hiện nhiều địa phương đề xuất quy hoạch CHK, sân bay chuyên dùng. Như vậy sẽ cần thêm nhiều nguồn lực nữa. Các hợp đồng BOT kéo dài không chỉ trong 10 năm mà có thể là 20 - 25 năm. Do đó, giai đoạn 2030 - 2040 vẫn phải tiếp tục huy động nguồn lực mới đáp ứng được quy hoạch dự kiến”, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng ví von: “Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài hay Tân Sơn Nhất về quy mô song đẳng cấp thì như nhau. Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh. Trong khi đó, việc cấp bách “gấp vạn lần” là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, thì chỉ riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa”.
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là cần thiết, cũng là giải pháp tối ưu giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ. Do đó, thiết nghĩ cần rõ hơn cơ chế chính sách thu hút cho nhà đầu tư tham gia lĩnh vực hàng không, bên cạnh trách nhiệm xã hội!