Cao tốc ‘chờ' nhà đầu tư!
Kể từ khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “mời” Bộ Công an tham gia giám sát cao tốc, các nhà đầu tư có vẻ ngán "món" BOT cao tốc.
Chia sẻ thêm doanh thu với nhà đầu tư
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký văn bản trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) để tìm nhà đầu tư khởi công xây dựng trong năm 2023.
Theo tờ trình của dự án, đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 60,1 km. Trong đó, điểm đầu tại Km0+000, giao với QL.1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL.20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường 8 cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc). Tuyến đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.
Sơ bộ tính toán nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng khoảng 311,69 ha, trong đó huyện Thống Nhất là 78,35 ha; huyện Định Quán là 127,44 ha; huyện Xuân Lộc là 9,9 ha; huyện Tân Phú là 96 ha. Diện tích đất có rừng khoảng 27,91 ha.
Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nằm trên hành lang vận tải TPHCM – Lâm Đồng có nhu cầu vận tải cao, kết quả dự báo lưu lượng và tính toán sơ bộ phương án tài chính cho thấy dự án có tính khả thi về tài chính, có khả năng thu hút và hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án. Do đó, việc nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ huy động được nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, giảm áp lực lên ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 8.365,651 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: 1.300 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động (nguồn vốn đầu tư BOT): 7.065,651 tỷ đồng (Vốn chủ sở hữu: 1.413,130 tỷ đồng (chiếm 20% nguồn vốn đầu tư BOT). Vốn vay thương mại: 5.652,521 tỷ đồng (chiếm 80% nguồn vốn)).
Tại tờ trình cũng xác định mức giá dịch vụ theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng và Nhà nước. Mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ dự kiến từ 1.700 đồng/xe nhóm 1 (xe 4 chỗ)/km 2024 trở đi và tăng dần theo các năm. Mức giá dịch vụ giữa các nhóm xe còn lại so với xe nhóm 1 được xác định theo hệ số cũng nhân hệ số tăng dần.
Sau khi khái toán và phân tích thì bên trình dự án dự kiến sẽ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ 2022 và bắt tay vào khởi công năm 2023, hoàn thành 2025 với hiệu quả tính toán dự kiến 20 năm 3 tháng nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn và chuyển giao lại cho cơ quan nhà nước quản lý.
Đây cũng sẽ là dự án được đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.
Còn khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.
Như vậy, với đề xuất của Bộ GTVT, nhà đầu tư tham gia dự án sẽ được tạo điều kiện hơn. Bởi Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ tháng 1-2021 quy định các dự án PPP sau 3 năm vận hành khai thác nếu doanh thu dự án BOT vượt 20% Nhà nước sẽ thu lại phần doanh thu vượt, nhưng doanh thu dự án đạt dưới 70% so với phương án tài chính thì Nhà nước lại không bù.
Chống tham nhũng, không "cản" nhà đầu tư
Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm, có ý nghĩa và vai trò đặc biệt của quốc gia, nên việc đưa ra những tiêu chuẩn cao, chặt chẽ đối với nhà đầu tư là cần thiết để bảo đảm cho dự án thành công, tránh được rủi ro mà không ít dự án giao thông trước đó đã mắc phải. Yếu tố quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai đầy đủ thông tin khi đấu thầu dự án.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Cơ chế mới chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư BOT là phương án hợp lý để khuyến khích nhà đầu tư tham gia cùng xây dựng BOT chất lượng. Nhưng ở một góc nhìn cẩn trọng cho thấy, BOT đang không còn khiến các nhà đầu tư mặn mà.
Thời gian qua, BOT từng khiến cho dư luận bức xúc bởi doanh nghiệp không đủ năng lực khiến dự án kém chất lượng hoặc chậm tiến độ; cũng có hiện tượng lợi ích nhóm. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ GTVT đã thể hiện rõ trách nhiệm là cơ quan đứng đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "nhờ" Bộ Công an cùng giám sát đấu thầu, thi công cao tốc Bắc - Nam thể hiện sự lo lắng cho tiến độ và chất lượng của dự án đặc biệt quan trọng này. Đồng thời, không để lọt các nhà đầu tư yếu kém tham gia "chia phần".
Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quyết tâm phòng chống tham nhũng tại dự án cao tốc Bắc – Nam là đáng hoan nghênh và rất quan trọng với dự án. Luật phòng chống tham nhũng đã giao cho thanh tra chủ trì phòng chống tham nhũng, kết hợp với Uỷ ban kiểm tra của Đảng, đặc biệt, việc phối hợp với Bộ Công an là vô cùng quan trọng.
Bộ Công an tham gia giám sát là mong muốn có sự công tâm trong việc đấu thầu dự án, hỗ trợ dự án được đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến độ, đúng chất lượng".
Theo Bộ trưởng Thể, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đồng hành với Bộ GTVT từng giai đoạn giống như công an. Nên khẳng định không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì người làm ẩu là không ngủ được, cho dù dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm.
Chỉ có điều, Bộ GTVT đang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 5.000km cao tốc, để thực hiện mục tiêu này không có cách nào khác phải tăng cường hợp tác nhà nước tư nhân (PPP), trong đó hình thức BOT rất quan trọng.
Tại BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào khai thác 6 năm, Nhà nước mới chỉ thanh toán cho nhà đầu tư tiền giải phóng mặt bằng, còn cam kết tham gia góp vốn 4.700 tỷ đồng và 300 triệu USD Nhà nước chưa thực hiện. Dù thường trực Chính phủ nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành phải giải quyết, nhưng nhà đầu tư chưa nhận được tiền.
Tại dự án cao tốc BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà đầu tư BOT không được thu phí trên tuyến cũ song song như cam kết trong hợp đồng nhưng lại không được hỗ trợ.
Việt Nam hiện không thiếu vốn. Chỉ trong thời gian ngắn từ 2019 - 2020 đã huy động được khoảng 13 tỷ USD vốn tư nhân vào điện mặt trời. Sự chững lại của đầu tư BOT giao thông 5 năm qua theo các chuyên gia là do bài toán kinh tế BOT không rõ. Khi các dự án BOT gặp vướng mắc, đa phần cơ quan quản lý địa phương đều né tránh.
Do đó, khi chống tham nhũng cũng linh hoạt phối hợp nhuần nhuyễn với phương án tạo điều kiện cho nhà đầu tư góp sức làm cao tốc. Ông Nguyễn Văn Tỉnh - nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, cần loại bỏ tâm lý tẩy chay BOT trong xã hội. Tất nhiên, việc triển khai dự án phải công khai minh bạch. Còn lại, trân trọng nhà đầu tư nước ngoài thế nào thì cũng nên ứng xử với nhà đầu tư trong nước đầu tư BOT như vậy.
Hơn nữa, khi đầu tư các dự án BOT nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền vào dự án thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền cùng thời điểm. Thời gian qua, các cơ quan Nhà nước thường yêu cầu nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn trước. Việc góp tiền của Nhà nước phải qua rất nhiều khâu, nhà đầu tư BOT dài cổ chờ nhiều khi cũng không thấy đâu. Hay chuyện chậm mặt bằng dự án BOT giao thông cũng cần quy định rõ cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại nếu có.
Một vấn đề cần xem xét trong môi trường đầu tư BOT thời gian tới, đó là nhà đầu tư BOT sau khi hoàn vốn, một số dự án chỉ được thu lãi 5%, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng là 6-7%. Gửi tiết kiệm lợi hơn thì đương nhiên không ai dại gì rót vốn vào BOT cả. Câu chuyện là sự lựa chọn: chấp nhận trả phí hợp lý (quy trình công khai minh bạch) để có cầu, đường tốt đi, hoặc cứ như hiện tại, kẹt xe, tai nạn, khó phát triển kinh tế...
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta chỉ triển khai được trên 1.000km cao tốc. Các dự án PPP có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng.
Chẳng hạn, tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn Nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư PPP đã tham gia vào các dự án trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như vừa qua, đồng thời hoan nghênh việc qua đấu thầu, đã có những dự án giảm được gần 1.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng theo các quy định, nếu đúng là giảm được chi phí thì tính toán việc thưởng cho nhà thầu để khuyến khích đổi mới sáng tạo.