Kỹ năng ứng phó với siêu bão
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước cơn bão số 3 (Yagi), người dân lưu ý không nên chủ quan, theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để phòng, tránh...
Hồi 16 giờ ngày 05/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo, từ đêm 06/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến tối ngày 07/9).
Từ đêm 06/9 đến sáng 09/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 07/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về diễn biến cơn bão số 3 (Yagi), công tác chuẩn bị ứng phó tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, phát huy "4 tại chỗ" kịp thời, chính xác, phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng phó với bão số 3.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bản tin, thông tin dự báo bão phải cụ thể, dễ hiểu, đơn giản để người dân chủ động phòng tránh; tăng cường các bản tin dự báo, thường xuyên trao đổi, làm việc với trung tâm dự báo các nước.
Nhấn mạnh phương châm chủ động phòng ngừa, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai tất cả các biện pháp, nhất là 2 công điện của Thủ tướng Chính phủ; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, chỉ đạo, kiểm tra, dôn đốc sát sao, thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ", chủ động.
Với vùng hoàn lưu rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương phải chuẩn bị ứng phó với mưa lớn sau bão, tình trạng ngập lụt tại các đô thị, khu dân cư, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp di dời người dân ở khu vực xung yếu, còn ở trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên các tàu thuyền neo đậu ven bờ, khách du lịch hiện còn ở trên các đảo ven bờ.
Được biết, lãnh đạo TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình đang tiếp tục kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão; không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo; sơ tán người dân và khách du lịch trên các đảo đến nơi an toàn và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt trong quá trình lưu trú.
Đại diện Bộ Quốc phòng đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nỗ lực giảm thiểu số du khách còn lưu trú tại các đảo ven bờ khi bão đổ bộ, sơ tán người dân ở trên lồng bè, tàu thuyền neo đậu tại bờ.
Những vị trí đê biển xung yếu có nguy cơ mất an toàn đang được các địa phương khẩn trương gia cố, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế.
Các địa phương đã xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tuỳ theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố, chằng chống nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện, cột tháp truyền hình, phát thanh, cẩu tháp,...; khơi thông dòng chảy, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất diện tích nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Những tỉnh miền núi phía Bắc, như Cao Bằng, Hà Giang đã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa đã đầy nước, hồ thủy lợi xung yếu khu vực miền núi phía Bắc; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, phải tận dụng khoảng thời gian quý giá trước khi bão số 3 đổ bộ, hành động khẩn trương, chuẩn bị mọi phương án ứng phó với tinh thần "không hối tiếc", giảm thiểu thấp nhất tổn thất về người, thiệt hại tài sản, các công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.