Khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết
Ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan điều xác định và bắt tạm giam vì đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thao túng thị trường chứng khoán.
Ngày 29/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan
Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Trước đó, chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng để phục vụ điều tra. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết được cơ quan điều tra ban hành từ ngày 26/3.
Mới đây nhất, ngày 25/3 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC) 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, hầu hết liên quan đến việc công bố thông tin trên hệ thống của SSC và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Trong đó, tập đoàn này bị phạt 200 triệu do công bố thông tin sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty. Ngoài ra, bị phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
FLC cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính 2019, bán niên 2020 và các báo cáo từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, nghị quyết bổ nhiệm nhân sự, góp vốn. Báo cáo tài chính của FLC còn thuyết minh thiếu các khoản giao dịch, số dư với các công ty liên quan như Nông dược H.A.I, FLC Stone.
Trước đó, vào tháng 1/2022, hành vi "bán chui" cổ phiếu của chủ tịch Tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán. Cụ thể, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao thì ngày 10/1, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74.8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, cao bất thường. Trong khi lâu nay mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15 - 40 triệu cổ phiếu. Cũng trong phiên giao dịch này, nhiều nhà đầu tư mới vừa "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.
Sau khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu, thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, đồng thời hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.
Ngay đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1.5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định. Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Đây là lần thứ hai chủ tịch FLC nhận án phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trước đó vào tháng 11/2017, ông Quyết bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường.
Cũng trong năm 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT cũng bị phạt với nguyên nhân đã bán chui hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
Cũng trong năm 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT cũng bị phạt với nguyên nhân đã bán chui hơn 13,69 triệu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỷ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.
Sắp tham gia loạt dự án hợp tác quốc tế....
Theo kế hoạch, ông Quyết sẽ tham gia Diễn đàn đầu tư Việt Nam ở London vào sáng 30/3 và phát biểu kết luận vào cuối phiên với vai trò Chủ tịch Bamboo Airways. Chiều cùng ngày, Roadshow giới thiệu về hệ sinh thái của FLC cũng sẽ được tổ chức tại đây. Sự hiện diện của ông Quyết tại hai sự kiện này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Tập đoàn FLC và PetroTrade Lào cũng vừa ký ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một phần của dự án đường sắt Vientiane - Vũng Áng. Lễ ký bản ghi nhớ diễn ra ngày 21/3 tại thủ đô Vientiane dưới sự chứng kiến của hai Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Lào và Việt Nam.
Theo bản ghi nhớ, FLC và Petro Trade Lào (doanh nghiệp là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong đầu tư, phát triển và quản lý nhiều dự án hạ tầng, hậu cần quan trọng) sẽ cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Đây là một phần quan trọng trong toàn tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng mức đầu tư trị giá khoảng 5 tỷ USD. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 555 km, trong đó, 452 km thuộc Lào và 103 km tại Việt Nam với mục tiêu khởi công ngay trong quý IV/2022.
Chính vì FLC chuẩn bị tham gia sự kiện quốc tế và đang là doanh nghiệp có hợp tác chiến lược với Lào, nên nhiều nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu họ FLC cố bám víu niềm tin "tin đồn sai". Thế nhưng, thị trường chứng khoán vì tin này mà không tránh được "bùng lửa" phiên 28/3.
VN-Index chốt phiên 28/3 giảm hơn 15 điểm, xuống 1.483,18 điểm. Tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo ồ ạt, trong đó các mã liên quan FLC dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu.Nhóm FLC trong trạng thái "trắng bảng bên mua", khối lượng dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên xấp xỉ 140 triệu cổ phiếu.
Các mã khác như ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) cũng đồng loạt nằm sàn.