Homestay ở vùng ven biển Huế đang hút khách
Khoảng vài năm trở lại đây, loại hình lưu trú ngắn hạn homestay trở thành một lĩnh vực rất “hot” trước nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều người dân ở Huế đã quan tâm và đầu tư vào kinh doanh loại hình này.
Đây là phân khúc được dự đoán sẽ trở thành một trong những xu hướng đầu tư mới của thị trường nghỉ dưỡng tương lai. Đến thăm gia đình ông Lê Bá Trung ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là hộ đang đầu tư bài bản để xây dựng homestay quy mô, thực hiện mô hình homestay tại các xã ven biển, đầm phá, góp phần phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Trên khu đất của gia đình rộng 5 nghìn mét vuông, ngôi nhà hai tầng gần như hoàn tất với dãy phòng chính gồm 9 phòng (sau này sẽ xây dựng thêm vài dãy phụ bên cạnh khoảng 20 - 25 phòng), công trình phụ, các thiết bị, khu vực bếp, khu vực ăn sáng và khu vực sinh hoạt chung cho khách. Bể bơi chứa 120 khối nước đảm bảo 2 công năng, phục vụ sinh hoạt của khách, vừa để phục vụ phòng cháy, chữa cháy, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hơn 100 cây dừa, mận, cóc, xoài, ổi, mít thái đã được trồng trong khuôn viên homestay. Dự kiến, sẽ có 40 cây cau ăn trái đã được đặt, chuẩn bị đưa về trồng.
Gia đình ông Trung cho biết, đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng, đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện đầu tư để khoảng đầu năm 2023 đưa homestay vào hoạt động. Theo đó, trong khuôn viên homestay, gia đình tiếp tục trồng nhiều loại cây ăn trái, như vú sữa, xoài, vả, khế.... "Chúng tôi sẽ mua cây lớn về trồng, để có ngay bóng mát, tạo mảng xanh, thân thiện với môi trường, đồng thời bố trí các diện tích đất trồng rau theo mùa, đảm bảo cung cấp tại chỗ khi khách có như cầu trải nghiệm chế biến các món ăn bằng các thứ rau, trái tươi ngon hái ngay trong vườn”. Gia đình cũng sẽ thực hiện một vườn rau (với loại rau quen thuộc của địa phương) tại homesay để khách check in, lưu giữ kỷ niệm.
Nằm trong diện được hỗ trợ về phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, mô hình homestay của gia đình ông Lê Bá Trung đã được phê duyệt 100 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, trong đó 70% là nguồn kinh phí của tỉnh; 30% là nguồn kinh phí của huyện và xã hội hóa.
Với mong muốn vừa đi du lịch vừa được trải nghiệm văn hoá vùng miền riêng của từng địa phương, du khách sẽ ưu tiên chọn ở Homestay hơn cả bởi những tiện ích mà nó mang lại là sự hoàn toàn riêng biệt mà không thể tìm thấy nếu ở nhà nghỉ hay khách sạn.
Hiện nay, mô hình kinh doanh homestay đã nở rộ ở nhiều vùng miền. Ở Huế, loại hình này cũng đang được nhiều người quan tâm và đầu tư nhằm phát triển dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế cho tỉnh nhà. Nhiều homestay ở các xã ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm đầm phá – đặc sản Huế.
Theo các chuyên gia du lịch, loại hình kinh doanh homestay không thu hút những đơn vị phát triển chuyên nghiệp bởi thị trường tiềm năng nhưng nhỏ lẻ, mất thời gian quản lý và lợi nhuận không cao như kinh doanh khách sạn, resort… Vì vậy, kinh doanh homestay đang trở thành lĩnh vực tiềm năng cho những người ít vốn, dân địa phương và dân công sở kiếm thêm nguồn thu nhập.