Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho xe khách tuyến cố định và bến xe
Ngày 10/3/2023, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền có văn bản số 22/KN- HHVT gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo và đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe.
Theo số liệu mới cập nhật, số lượng hành khách đến bến xe giảm khoảng 30 - 50% so với trước năm 2019. Nhất là tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tuyến cố định và bến xe rơi vào tình trạng rất khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu.
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ hiện tại số lượng xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (loại xe limousine 16 chỗ ngồi dã cải tạo thành xe từ 10 đến 12 chỗ ngồi) có khoảng 175.000 xe; trong khi đó xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khoảng 21.000 xe.
Trong thời gian vừa qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe hợp đồng. Đặc biệt, gần đây nhất là vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Quảng Nam, vào lúc 2h sáng ngày 14/02/2023 giữa xe 16 chỗ ngồi là xe chạy “Hợp đồng trá hình”, biển kiểm soát 76B 00660, chở 21 người với xe đầu kéo, biển kiểm soát 92H 00433 đã làm 10 người chết và 11 người bị thương.
Theo các quy định hiện hành, quy định quản lý đối với xe tuyến cố định quá chặt chẽ từ việc mở tuyến, tăng giảm tần suất chạy xe, giá vé…, phải đón trả khách đúng nơi quy định, nhưng hiện tại hầu hết trên các tuyến giao thông không có điểm đón, trả khách; các đơn vị vận tải theo tuyến cố định phải nộp thuế và các loại phí đầy đủ. Nhưng xe hợp đồng các quy định còn đơn giản và việc kiểm soát còn bị buông lỏng, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ đâu?
Nhu cầu đi lại của hành khách đã thay đổi; hành khách có nhu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ, hành khách có nhiều sự lựa chọn. Trong khi một số doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, việc đổi mới chưa theo kịp với tình hình. Nhiều bến xe chưa đổi mới tương xứng với yêu cầu của hành khách và doanh nghiệp vận tải.
Trong khi, các quy định của pháp luật còn nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình và yêu cầu quản lý như: Điều kiện kinh doanh và quản lý với kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định thì quá chặt chẽ; trong khi điều kiện kinh doanh và quản lý đối với vận tải khách theo hợp đồng lại quá đơn giản. Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật triển khai không đồng bộ như việc yêu cầu gắn thiết bị giám sát hành trình; gắn camera trên các xe kinh doanh vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện nhưng các cơ quan quản lý chưa khai thác sử dụng dữ liệu một cách đúng mức vào việc quản lý hoạt động vận tải.
Ngoài ra, điều kiện kinh doanh với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hợp đồng quá đơn giản, không quy định quy mô với các đơn vị vận tải nên hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô quá nhỏ. Một số đơn vị chỉ có từ 1 - 2 xe,...
Trong điều kiện kinh tế xã hội, khoa học công nghệ phát triển, nhưng quy định tại các văn bản QPPL hiện hành còn nhiều nội dung chưa phù hợp. Quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước nhưng việc sử dụng dữ liệu để phục vụ hậu kiểm, xử lý vi phạm chưa tương ứng yêu cầu. Cụ thể như: Việc cấp phép hoạt động cho xe hợp đồng nhưng sau đó không có lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm; chưa khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để phát hiện và xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đề xuất, kiến nghị cấp bách
Từ những khó khăn, vướng mắc thực tế của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định và bến xe, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gửi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, lập lại trật tự vận tải đảm bảo an toàn giao thông:
Sớm sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB 2008. Theo đó, bỏ điểm e Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 đang quy định tuổi của người lái xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên là không quá 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam; cho phép thực hiện theo Luật lao động: Sửa đổi quy định về giá dịch vụ xe ra vào bến cho phù hợp với nhiều loại hình sở hữu, mức độ đầu tư của bến xe; quy định về bến xe phải bố trí ở nơi thuận tiện cho kết nối giao thông và thu hút hành khách; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp phường, xã trong việc quản lý, không để hình thành các bến cóc, các điểm đón trả khách bất hợp pháp và một số nội dung khác đang gây khó khăn cho hoạt động vận tải và mất trật tự an toàn giao thông.
Tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Vì qua thực tiễn 2 năm thực hiện Nghị định có nhiều điểm không phù hợp như hiện nay các điều kiện, quản lý đối với vận tải khách theo tuyến cố định thì quá chặt chẽ mà đối với vận tải khách theo hợp đồng thì còn lỏng lẻo; một số nội dung đề ra trong Nghị định chưa được thực thi. Mở rộng quyền chủ động cho các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định và bến xe, nhất là về tăng giảm tần xuất chạy xe trên tuyến để phù hợp cung cầu thị trường…
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Bộ chỉ đạo Cục ĐBVN và Sở GTVT các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ đối với hoạt động vận tải, nhất là đối với xe hợp đồng; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật (bao gồm quy định quản lý về hoạt động vận tải và quản lý về thuế…); Đối với các xe lâu nay hoạt động theo hình thức “hợp đồng trá hình” sau khi bị xử lý nếu có nhu cầu đăng ký hoạt động theo tuyến cố định thì tạo điều kiện cho hoạt động theo tuyến cố định tại các bến xe.
Tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả sử dụng việc gắn thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe khách nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý các vi phạm theo quy định, nhất là đối với xe hợp đồng;
Tăng cường các tuyến xe buýt kết nối đến các bến xe. Chỉ đạo một số bến xe lớn có mật độ xe ra vào bến cao, tổ chức thí điểm việc tổ chức xe trung chuyển đưa khách đi theo từng hướng đi hợp lý và đón khách về bến để đi xe.
Cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định được khảo sát nhu cầu đi lại của hành khách; xác định hành trình và vị trí các điểm dừng đón, trả khách ở những vị trí phù hợp trên cơ sở những vị trí đó phải đảm bảo đủ các điều kiện về trật tự an toàn giao thông. Đối với các điểm dừng đón trả khách có nhiều hành khách chờ; nhiều xe đón khách; cần đầu tư mái che, ghế ngồi tương tự như điểm dừng xe buýt để phục vụ hành khách; tạo điều kiện cho các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định thực hiện kinh doanh có hiệu quả và đúng quy định.
Trao đổi Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở GTVT tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị vận tải trên địa bàn về hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, vé điện tử.