HĐND tỉnh Bắc Giang nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề
Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Bắc Giang được thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật, từng bước sâu sát, chất lượng, có hiệu quả.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Bình quân mỗi năm, HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát từ 2 - 3 chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội được cử tri quan tâm như: Việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự; chấp hành pháp luật về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm…
Từ thực tiễn tham gia các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND cho thấy, để nâng cao chất lượng giám sát, bên cạnh việc lựa chọn nội dung phù hợp; làm tốt công tác chuẩn bị (xây dựng kế hoạch, đề cương, chương trình giám sát...); thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục giám sát cần quan tâm phương pháp, cách thức làm việc trong quá trình triển khai giám sát.
Trước hết cần lựa chọn thành viên tham gia đoàn giám sát có năng lực, kinh nghiệm, am hiểu về nội dung, lĩnh vực giám sát. Đó là trưởng, phó trưởng ban hoạt động chuyên trách, thành viên các ban của HĐND; ngoài ra cần trưng tập các chuyên gia có chuyên môn sâu, kinh nghiệm.
Khi giám sát tại địa phương nào thì mời tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại diện thường trực, các ban HĐND của địa phương đó để giúp đoàn giám sát có thêm thông tin từ hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện. Đối với giám sát chuyên đề của HĐND thì thành lập tổ giúp việc, gồm 1 đồng chí lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND làm tổ trưởng và một số chuyên viên của văn phòng.
Phương pháp, cách thức tiến hành giám sát đã được đổi mới. Trước khi giám sát nghiên cứu kỹ nội dung để xác định yêu cầu, đối tượng, phạm vi giám sát đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể. Khi giám sát cần có sự so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện với các quy định hiện hành của Nhà nước, nghị quyết của HĐND để rút ra được những kết luận đúng, đề xuất, kiến nghị hợp lý.
Quá trình giám sát kết hợp nghe báo cáo với khảo sát thực tế tại cơ sở và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan để thẩm định và phát hiện “độ vênh” giữa báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát và thực tế. Cách làm này giúp đoàn giám sát thu thập được thêm các thông tin, đồng thời xác minh tính chính xác của các nội dung trong báo cáo và nắm bắt rõ hơn những kết quả, ưu điểm, khuyết điểm thực tế của các cơ quan chịu sự giám sát, qua đó có cơ sở trao đổi, thảo luận.
Trong hoạt động giám sát cần kế thừa kết quả làm việc của một số ngành liên quan: Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của Thanh tra Nhà nước và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực được giám sát. Đồng thời cũng nên sử dụng một số công cụ, thiết bị hỗ trợ như máy ảnh, máy ghi âm... góp phần minh chứng cho các nhận định, đánh giá trong hoạt động giám sát.
Đề cao trách nhiệm mỗi thành viên, “hậu kiểm” sâu sát
Thực tế hiện nay, lực lượng cán bộ chuyên trách của HĐND tỉnh Bắc Giang còn ít, đại biểu HĐND phần lớn là kiêm nhiệm. Trong khi đó, nội dung giám sát rộng, có cuộc giám sát đòi hỏi trình độ và năng lực chuyên môn sâu.
Để khắc phục những khó khăn bất cập, bên cạnh việc phân công nhiệm vụ cụ thể, trong các cuộc giám sát của HĐND tỉnh, trưởng đoàn luôn yêu cầu từng thành viên phải nghiên cứu báo cáo, thu thập thông tin, trên cơ sở đó có bản nhận xét đối với từng cơ quan, đơn vị chịu giám sát.
Các bản nhận xét của từng thành viên được tổ giúp việc tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng báo cáo chung, được lưu trong hồ sơ cuộc giám sát và được sử dụng là một trong những cơ sở để Thường trực HĐND đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu. Thực hiện biện pháp này đã góp phần không nhỏ nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc giám sát.
Kết thúc cuộc giám sát, đoàn giám sát có văn bản đánh giá ưu điểm, chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó kiến nghị những biện pháp, thời gian khắc phục cụ thể để làm căn cứ tổ chức theo dõi hoặc giám sát lại việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị đó.
HĐND tỉnh Bắc Giang đang thực hiện phương pháp ngay sau khi kết thúc giám sát từng đơn vị, đoàn giám sát có kết luận riêng, cách làm này giúp cho việc đánh giá kết quả, hạn chế cụ thể đối với từng đơn vị được kịp thời và cũng là căn cứ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Việc theo đuổi đến cùng các kiến nghị giám sát có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền lực của HĐND và chất lượng cuộc giám sát. Nếu các cơ quan chức năng không thực hiện các kiến nghị thì phải đề xuất để tiếp tục giám sát hoặc đưa ra chất vấn ở kỳ họp HĐND tiếp theo hoặc tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Trên thực tế năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND không chỉ phụ thuộc vào bản thân các chủ thể giám sát mà còn phụ thuộc vào bộ máy giúp việc cho HĐND. Vì vậy, cần lựa chọn những chuyên viên giúp việc cho Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, phân tích và tổng hợp, làm việc độc lập, có chính kiến và bảo vệ chính kiến. Đồng thời các chuyên viên giúp việc cần có khả năng giao tiếp và giữ mối liên hệ với đại biểu HĐND, với các cơ quan chức năng. Đặc biệt cần có đủ độ nhạy bén để kịp thời phát hiện, đề xuất lựa chọn những vấn đề phù hợp tham mưu cho HĐND thực hiện giám sát.
Thực hiện tốt chức năng giám sát, HĐND có thể đánh giá việc chấp hành pháp luật và nghị quyết HĐND của các cơ quan, địa phương, kịp thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của các nghị quyết đã được HĐND thông qua để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách, chủ trương mới phù hợp với thực tiễn, góp phần đưa nghị quyết HĐND đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.