Hành trình thần tốc vươn mình thành “Thánh Gióng” của GSM
Chỉ sau nửa năm hoạt động, start-up gọi xe đa nền tảng và cho thuê xe thuần điện đầu tiên trên thế giới - GSM đã vươn mình mạnh mẽ với việc chuẩn bị gia nhập thị trường quốc tế, trở thành đối trọng của Grab, Gojek,… ngay tại ngôi nhà chung Đông Nam Á.
Những dấu ấn thần tốc
“Xanh, sạch, êm, không một tiếng ồn!”, “Xe điện đi là nghiện’’... Đó chỉ là một vài trong số những bình luận của người dùng sau khi trải nghiệm dịch vụ taxi và xe máy điện của Xanh SM (thuộc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM).
Không chỉ thu hút người dùng trong nước, dịch vụ gọi xe điện đầu tiên tại Việt Nam còn chinh phục cả những khách hàng quốc tế thường quan tâm đến chất lượng trải nghiệm dịch vụ. “Ban đầu tôi gọi taxi Xanh vì muốn góp phần giảm tác động đến môi trường từ hoạt động di chuyển hàng ngày, nhưng giờ đã thành “fan cứng” vì chất lượng dịch vụ rất tốt và chuyên nghiệp. Giờ đi công tác hay đi du lịch ở các thành phố lớn đều thấy rất nhiều xe Xanh”, chị Amanda Parker, một công dân Anh hiện đang sống tại Hà Nội cho biết.
Là hãng gọi xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, dù “vào sân” muộn hơn nhiều tên tuổi sừng sỏ như Grab, Be, Gojek, Ahamove… nhưng với đội xe 100% thuần điện độc tôn và lợi thế sân nhà, các dịch vụ của Xanh SM ngay từ khi mới ra mắt đã chinh phục khách hàng ngay cả ở những tệp khách khó tính nhất.
Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn cả lại là tốc độ phát triển thần tốc của GSM, đưa “tân binh” này trở thành đối trọng của các hãng gọi xe quen thuộc vốn đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong mảng dịch vụ vận tải hành khách.
Ở lĩnh vực taxi đa nền tảng, ngày 14/4/2023 ghi dấu bước chân đầu tiên của GSM trên hành trình “phủ xanh” đường phố Thủ đô Hà Nội với những chiếc taxi điện VinFast màu Cyan đặc trưng của thương hiệu Xanh SM, chỉ 38 ngày sau khi thành lập. Trong ngày đầu tiên ra mắt, ứng dụng Taxi Xanh SM đã đạt 100.000 lượt tải, chiếm lĩnh Top 1 travel và Top 2 toàn mạng trên App Store.
Sau màn “chào sân” ấn tượng, tốc độ phủ sóng của “tân binh” Xanh SM được ví như “bước chân Tây Sơn thần tốc” khi trung bình mỗi tháng lại có thêm 2 - 4 địa phương ghi tên vào hành trình xanh. Chỉ trong 5 tháng, màu xanh Cyan của những chiếc xe VinFast đã hiện diện tại 17 tỉnh/thành phố trên dải đất hình chữ S.
Kế tiếp thành công của dịch vụ Xanh taxi, GSM chính thức nhập cuộc trong mảng dịch vụ gọi xe máy điện. Ngày 14/8, dịch vụ Xanh SM Bike ra mắt tại Hà Nội, sau đó là TP.HCM và lập tức trở thành thương hiệu “xe ôm điện” được người dùng yêu thích và lựa chọn.
Dù là “tân binh” nhưng GSM đã khiến nhiều đối thủ lớn phải kiêng dè bởi những kỷ lục hiếm có như cán mốc 6 triệu chuyến Xanh SM Taxi sau hơn 5 tháng, đạt 1 triệu chuyến Xanh SM Bike sau 1,5 tháng. Tính đến nay, Xanh SM đã vận hành hơn 35 triệu km không phát thải CO2, tương đương với 1 triệu cây xanh quang hợp trong 100 ngày, đồng thời đóng góp gần 4 tỷ đồng vào Vì Tương Lai Xanh của Vingroup qua mỗi chuyến đi. Đến cuối năm nay, hãng dự kiến sẽ vận hành đội xe quy mô 30.000 ô tô điện và 90.000 xe máy điện, phủ xanh 27/63 tỉnh thành.
Ở mảng cho thuê xe điện, GSM đã cung cấp dịch vụ cho một số hãng taxi nội địa tiên phong trong tiến trình xanh hóa đội xe, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Cụ thể, Lado Taxi thuê 300 chiếc ô tô điện VinFast từ GSM để bổ sung vào đội xe điện hiện hành; công ty Én Vàng thuê 125 xe để ra mắt dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Hải Phòng; còn tại Đắk Lắk HTX Vận tải Thanh Hà thuê 250 xe cũng để phát triển dịch vụ taxi.
Hành trình phát triển thần tốc của GSM diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xu hướng sử dụng xe điện. Theo Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ taxi mới đưa vào sử dụng từ năm 2030 phải chạy bằng điện nhằm thúc đẩy xu hướng điện hóa trong lĩnh vực vận tải công cộng. Với tốc độ thần tốc, nguồn lực vững chắc, không khó để “tân binh” GSM sớm lập thêm những kỷ lục mới, vươn mình thành “Thánh Gióng” trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này.
Bước chân ra biển lớn
Tuy vậy, “phủ xanh” dải đất hình chữ S không phải là mục tiêu cuối cùng của GSM. Hãng gọi xe trị giá nghìn tỷ này còn ấp ủ khát vọng tiến ra thị trường nước ngoài, đưa GSM trở thành hãng gọi xe có tầm vóc khu vực và thế giới, mà điểm đến đầu tiên là Đông Nam Á.
Mới đây nhất, ngày 14/10, 150 chiếc xe xanh VinFast đầu tiên đã đến với thủ đô Viêng Chăn - Lào để chuẩn bị cho dịch vụ taxi Xanh SM tại đây với quy mô có thể lên tới 1.000 xe trong năm nay. Ngoài phát triển dịch vụ taxi điện, GSM sẽ tiến tới xây dựng hệ sinh thái dịch vụ toàn diện tương tự như tại Việt Nam. GSM gia nhập thị trường tại đất nước triệu voi trong bối cảnh thị trường Lào được đánh giá là còn quá nhiều dư địa khi xu hướng điện hoá giao thông mới bắt đầu nhen nhóm.
Sau Lào, GSM cũng có kế hoạch mở rộng một số thị trường khác tại Đông Nam Á. Kế hoạch tiến quân ra Đông Nam Á là bước đi thần tốc và đúng đắn của GSM khi xu hướng chuyển dịch sang xe điện đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực này, rất cần những “kỳ lân” tiên phong trong lĩnh vực gọi xe công nghệ.
Đông Nam Á hiện là nơi sinh sống của hơn 642 triệu người, tương đương 8,5% dân số thế giới. Sự gia tăng của ô tô điện trong lĩnh vực dịch vụ giao thông đô thị với lợi ích đi kèm là giảm tác động xấu đến môi trường đang trở nên phổ biến ở các nước ASEAN đang phát triển, nhờ các chính sách khuyến khích của chính phủ và sự chủ động “nhập cuộc” của các hãng gọi xe công nghệ, theo Mordor Intelligence.
Đơn cử tại Singapore, theo Nikkei Asia, Grab đã cam kết chuyển đổi sang các phương tiện phát thải thấp để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2040, trong khi ComfortDelGro, nhà điều hành taxi lớn nhất quốc đảo này, dự kiến sẽ tung ra 400 xe taxi điện trong năm nay và đến năm sau sẽ có tới 1.000 xe điện và 7.000 xe hybrid khác. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch tăng quy mô đội xe điện trong nước với giai đoạn hai liên quan đến việc sử dụng xe điện trong các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, taxi và xe máy dựa trên ứng dụng trực tuyến. Hãng gọi xe lớn nhất của Indonesia – Gojek cũng sẽ thay thế tất cả xe hai bánh bằng xe điện vào năm 2030.
Bên ngoài Đông Nam Á, các công ty dịch vụ gọi xe của Trung Quốc và Mỹ cũng đang tiến hành các kế hoạch chuyển đổi của mình. Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất xe điện đã cung cấp những đội xe điện được sản xuất riêng cho ứng dụng gọi taxi Didi Chuxing nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Uber và Lyft cũng đã thông báo tất cả các phương tiện trên nền tảng của họ sẽ chạy bằng điện vào năm 2030 tại Mỹ.
Thị trường gọi xe đã định hình lại giao thông đô thị trên quy mô toàn cầu và trở thành một phần không thể thiếu của di chuyển hiện đại. Theo Statista, doanh thu trong thị trường gọi xe dự kiến sẽ đạt 154 tỷ USD vào năm 2023 và tăng lên hơn 202 tỷ USD, phục vụ cho 1,92 tỷ người dùng vào năm 2027. Với dự báo này, có thể thấy, dư địa trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe toàn cầu là rất lớn, cơ hội dành cho những “kỳ lân” công nghệ biết nắm bắt xu hướng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cùng môi trường.
Với lợi thế thuần điện 100%, không cần trải qua giai đoạn “quá độ” từ xe xăng sang xe điện, nhiều chuyên gia dự báo GSM sẽ có những bứt phá thần tốc trong cuộc đua giành thị phần ở lĩnh vực dịch vụ vận tải xanh đang ngày càng trở nên sôi động, nhằm nối dài hành trình “xanh” ra khu vực và toàn cầu.